Về thăm khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút

Thứ hai - 21/02/2022 16:11 3.002 0
Ngày 19/02/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gò Dầu tổ chức chuyến “Về nguồn”, dâng hương tại khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, qua đó tuyên truyền, giáo dục công chức, người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm bản thân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phát huy tình đoàn kết, gắn bó trong toàn thể đơn vị.

Chuyến hành trình đã để lại trong lòng mỗi người nhiều cảm xúc khi viếng thăm Khu di tích. Ấn tượng đầu tiên của người viếng khi đến là Khu di tích nằm cạnh bờ sông Tiền với nét uy nghiêm nhưng gần gũi. Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của khu di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng được thể hiện trong tư thế rút gươm rất uy dũng, bên cạnh ông là một binh sĩ đang giương cung và một người dân đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất, hài hòa.

Ảnh: Tượng đài Nguyễn Huệ tại Khu di tích
 
Sau khi được nhân viên tại Khu di tích hướng dẫn dâng hoa, thắp hương tại Đài tưởng niệm, tất cả mọi người được hướng dẫn đến bên trong Nhà trưng bày – Nơi lưu lại những dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận đánh cũng như bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm - Xoài Mút. Qua lời giới thiệu, tất cả như được quay về thời gian của những ngày tháng hào hùng của dân tộc:

Nhận lời cầu viện của chúa Nguyễn Phúc Ánh, nhiều vạn quân Xiêm La đã rầm rộ kéo sang Việt Nam, rồi tấn công căn cứ quân Tây Sơn ở Mỹ Tho. Tướng Nguyễn Huệ liền cho thủy quân mai phục sẵn ở đoạn sông Rạch Gầm-Xoài Mút; còn bộ binh và pháo binh thì mai phục ở trên bờ. Khi quân Xiêm lọt vào trận địa, pháo binh Tây Sơn bất ngờ tấn công, bộ binh và thủy quân xông ra, và tiêu diệt gần như toàn bộ quân địch vào ngày 20 tháng 1 năm 1785.

Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ là một chiến công vĩ đại của phong trào Tây Sơn mà còn phản ánh quá trình chuyển hóa về chất của phong trào; đồng thời là cơ sở tạo sinh khí cho cuộc hành quân thần tốc trong mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) đại phá quân Mãn Thanh, với trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Việc hình thành khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút thể hiện tầm vóc lớn lao của chiến thắng này, đồng thời là sự tri ân, ghi nhớ của các thế hệ người Việt đối với các bậc tiền nhân.

Tại Nhà trưng bày, vẫn còn lưu lại những câu ca:
“Rạch Gầm - Xoài Mút tăm tăm
Xê xuống chút nữa tới vàm Mỹ Tho
Bần Gie đóm đậu sáng trời
Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh”.



                                                                        
 
Đến với khu di tích, chúng ta không khỏi xúc động vì được nhìn thấy tượng đài người anh hùng Nguyễn Huệ uy nghiêm cao lồng lộng giữa mây trời, cảm nhận được không khí uy nghiêm, cổ kính, thoáng mát, nằm cạnh bờ sông, gợi cảm giác hoài cổ rất lạ thường mà còn xúc động vì chính chúng ta được đến tận nơi diễn ra cuộc chiến ngày ấy.

Thời gian đã đi qua, nhưng hào khí trận thủy chiến anh hùng cách nay 237 năm như vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng mỗi người con Việt Nam bởi đây một trong những trận thủy chiến đầu tiên, qui mô lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. 
                                          
Trần Minh Tân - VKSND huyện Gò Dầu
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây