SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH KIỂM SÁT TÂY NINH

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức hoạt động trên phạm vi cả nước. Cùng với việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam, tháng 6 năm 1976 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh được thành lập. Sau đó lần lượt thành lập 8 VKS các huyện, thị như: Hòa Thành, Thị Xã, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu và Tân Biên. Đến năm 1989, VKSND huyện Tân Châu mới được thành lập. Lúc mới thành lập ở VKSND tỉnh có 4-5 cán bộ, trong đó có 02 cán bộ Miền Bắc tăng cường, mỗi VKSND huyện, thị chỉ có 1-2 cán bộ, chủ yếu là bộ đội chuyển ngành hoặc do Cấp ủy điều cán bộ từ ngành khác sang và một vài nhân viên mới tuyển dụng; trụ sở làm việc và cơ sở vật chất khác còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 
1. Từ năm 1976-1986
Từ năm 1976 đến năm 1986, cán bộ lãnh đạo VKSND tỉnh gồm có các đồng chí:
Viện trưởng: Nguyễn Văn Đáng (1980-1981), Trần Đời (1981-1988).
Phó Viện trưởng: Nguyễn Tấn Hưng (1976-1980), Phạm Phú (1976-1979), Nguyễn Văn Xạ (1978-1984), Trịnh Quốc Anh (1981-1991).
 
Thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 1960, bộ máy ở VKSND tỉnh lúc đầu có 05 tổ, sau tăng lên 07 tổ nghiệp vụ, VKSND cấp huyện có 03 bộ phận công tác. Đến năm 1986, biên chế thực hiện được 96/103 người, bố trí công tác ở VKS tỉnh 44 người, VKSND cấp huyện 52 người.Toàn ngành có 42 kiểm sát viên, trong đó có 14 kiểm sát viên trung cấp, 28 kiểm sát viên sơ cấp.

Đây là giai đoạn nước ta lại đứng trước muôn vàn khó khăn và thử thách, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982) đã đã đề ra đường lối chung, xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm 80 nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước những yêu cầu đề ra, VKSND tỉnh đã ưu tiên tập trung cho các công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có với hình thức ngắn hạn, dài hạn, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu từng bước kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy VKSND hai cấp.

Hình ảnh Lễ bế giảng lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát năm 1983 tại VKSND tỉnh Tây Ninh 

2. Từ 1987- 1992:
Trong giai đoạn này cán bộ lãnh đạo VKSND tỉnh gồm có các đồng chí:        
Viện trưởng: Trần Đời (1981-1988), Lê Văn Lực (1989-2006)
Phó Viện trưởng: Trịnh Quốc Anh (1981-1991), Đinh Thế Trạc (1985-1990), Đào Nhật Long (1988-1994), Nguyễn Văn Hóa (1991-2003).

Từ năm 1986, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra một bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.

Hệ thống pháp luật trong thời gian này ngày càng được bổ sung hoàn thiện hơn, lần lượt các bộ luật lớn được Quốc hội ban hành như: Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, …Cùng với việc triển khai thực hiện các Chỉ thị công tác của Viện trưởng của VKSND tối cao từ năm 1988-1992 trong từng lãnh vực cụ thể, VKSND tỉnh đã cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác hàng năm. Quy định, hướng dẫn để toàn ngành Kiểm sát Tây Ninh thực hiện chủ trương cải cách, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự, chủ trương triển khai Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh kiểm sát viên, tăng cường hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội góp phần vào việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo vệ pháp chế, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hình ảnh Đ/c Trần Quyết (thứ 7 từ trái sang) - nguyên Viện trưởng VKSNDTC thăm và làm việc với Tỉnh ủy và VKSND tỉnh Tây Ninh năm 1988

3. Từ 1992- 2002
Từ năm 1992 đến năm 2002, cán bộ lãnh đạo VKSND tỉnh gồm có các đồng chí:         
Viện trưởng: Lê Văn Lực (1989-2006).
Phó Viện trưởng: Đào Nhật Long (1988-1994), Nguyễn Văn Hóa (1991-2003), Nguyễn Văn Rộng (1994-2008).

Thực hiện Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ là “thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân; bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.

Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung) những năm 1986 - 2001 đã luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn này VKSND hai cấp triển khai trên 400 cuộc kiểm sát, phát hiện tài sản bị xâm hại và kháng nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, yêu cầu xử lý hình sự và kiến nghị xử lý hành chính hàng trăm người vi phạm pháp luật.

Công tác kiểm sát văn bản là một công tác quan trọng Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện. Sau khi có Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, hoạt động kiểm sát văn bản đã có những chuyển biến tích cực; được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thường xuyên. Qua kiểm sát, VKSND hai cấp đã phát hiện và kiến nghị, kháng nghị hoặc trao đổi yêu cầu sửa chữa trên 200 văn bản quy phạm pháp luật, trên 3.000 văn bản áp dụng pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản không đúng quy định của pháp luật và được tiếp thu sửa chữa.

Năm 2002 đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Để thực hiện cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa.



4.Từ 2002 đến 2014
Từ năm 2002 đến 2014 cán bộ lãnh đạo VKSND tỉnh gồm có các đồng chí:       
Viện trưởng: Lê Văn Lực (1989-2006), Lê Văn Lành (2006- 2014)
Phó Viện trưởng: Nguyễn Văn Hóa (1991-2003), Nguyễn Văn Rộng (1994-2008), Lê Văn Lành (2002-2006), Lê Văn Tiễn (2006-2013), Ngô Văn Hối (2008 đến nay), Nguyễn Văn Dựa (2012- nay) và Nguyễn Văn Mong (2014- nay).

Do có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ nên từ năm 2002 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, cán bộ. Phòng Kiểm sát chung được giải thể, những cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm sát chung được phân công, điều động đến các phòng nghiệp vụ khác hoặc bổ sung cho Viện kiểm sát cấp huyện.

Từ năm 2003 đến năm 2004, VKSND tỉnh có có 8 phòng; năm 2005 tách Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự thành 3 phòng mới là: Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự an ninh và ma túy, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về kinh tế - chức vụ nâng tổng số phòng thuộc Viện kiểm sát tỉnh thành 11 phòng.



Năm 2011, tách Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự thành 2 phòng là: Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình và Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật nâng tổng số phòng thuộc Viện kiểm sát tỉnh lên 12 phòng.

Ngày 29/12/2013, Chính phủ ban hành nghị quyết số 135/NQ-CP thành lập thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (trên cơ sở thị xã Tây Ninh cũ), đến ngày 01/3/2014 Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 20/QĐ-VKSTC-V9 về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh. Như vậy, hiện nay Viện kiểm sát  2 cấp của tỉnh có 12 phòng và 9 Viện kiểm sát huyện, thành phố.

5. Từ 2014 đến nay
Từ năm 2014 đến nay cán bộ lãnh đạo VKSND tỉnh gồm có các đồng chí:     
Viện trưởng: Lê Văn Lành (2014- 2020), Ngô Văn Hối (2020 - nay)
Phó Viện trưởng: Nguyễn Văn Dựa (2014- nay) và Nguyễn Văn Mong (2014- nay).

Từ năm 2015 đến tháng 11/2017: VKSND cấp tỉnh được cơ cấu 12 phòng. Thực hiện hướng dẫn số 29/VKSTC-V15, ngày 09/8/2017 của VKSND tối cao về việc sắp xếp lại cơ cấu bộ máy làm việc cấp tỉnh, đơn vị đã đề nghị và được VKSND tối cao sáp nhập Phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin vào Văn phòng đồng thời thành lập Thanh tra (tương đương cấp phòng) giúp Viện trưởng VKSND tỉnh thanh tra về hoạt động nghiệp vụ, công vụ, nội vụ, việc thực hiện quy chế dân chủ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp,...

Hình ảnh tập thê công chức VKSND tỉnh
Trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “ Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Hướng dẫn số 37/HD-VKSTC, ngày 28/11/2019 của Viện trưởng VKSNDTC về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh của VKSND tối cao, đơn vị đã đề nghị và được VKSND tối cao quyết định sáp nhập một số phòng có nhiệm vụ tương đồng, cụ thể từ 12 phòng giảm còn 10 phòng từ tháng 02/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có 10 Phòng và 09 VKSND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc./.
Nguồn Văn phòng VKSND tỉnh tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây