Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 6 năm 1976 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh được thành lập. Trong những ngày đầu mới thành lập, VKSND hai cấp chỉ có vài cán bộ phải chi viện cán bộ từ phía Bắc tăng cường. Những năm đầu sau giải phóng, VKSND tỉnh đã ưu tiên tập trung cho các công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có với nhiều hình thức ngắn, dài hạn; đồng thời quán triệt thực hiện phục vụ nhiệm vụ chính trị hàng đầu là ổn định tình hình sau ngày miền Nam giải phóng, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, đấu tranh giải quyết các tệ nạn của xã hội cũ để lại nhằm giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, củng cố chính quyền cách mạng.
Đã trải qua 5 lần thay đổi Luật tổ chức VKSND, cũng theo đó chức năng, nhiệm vụ của ngành cũng có những thay đổi đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Từ năm 1986, sau Đại hội Đại biểu lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra một bước ngoặc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện Hiến pháp năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ là “thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân; bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.
Năm 2002 đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Ngành, VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa. Từ đó đến nay, vai trò, trách nhiệm của Ngành ngày càng được nâng lên; tuy không còn thực hiện chức năng kiểm sát chung nhưng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, VKS tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các hoạt động tố tụng để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Các mặt công tác của VKSND hai cấp đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Đặc biệt, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 ra đời, đánh dấu cột mốc quan trọng tiến trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân, khẳng định được vị thế của Ngành trong hoạt động tư pháp nói riêng và bộ máy Nhà nước nói chung. VKSND hai cấp đã tăng cường trách nhiệm tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; gắn công tố với hoạt động điều tra, tập trung nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bị oan, sai; đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là các vụ án hình sự trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm. Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực tạm giữ, tạm giam, dân sự, thi hành án và giải quyết đơn ngày càng được thực hiện chặt chẽ; qua kiểm sát đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Đồng thời kịp thời tham mưu các cấp ủy, kiến nghị chính quyền có chỉ đạo chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước góp phần thực hiện tốt công tác phòng ngừa vi phạm và tội phạm luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Trong những năm qua, VKSND hai cấp tỉnh Tây Ninh luôn chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy và quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi và có phẩm chất đạo đức tốt theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Theo thời gian, đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố và tăng cường. Năm 1976 khi mới thành lập, VKS 2 cấp chỉ có khoảng 20 người, đến năm 1980 có 72 người; đến nay đã có 197 người với 137 Kiểm sát viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, VKSND hai cấp không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách và phấn đấu vươn lên. Ghi nhận những thành tích đạt được trong những năm qua, VKSND hai cấp vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động các hạng Nhì, Ba cho 13 tập thể và 11 cá nhân; VKSND tỉnh 2 năm liên tục được tặng Cờ thi đua của Chính phủ (2014, 2015), nhiều năm liền đạt Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu ngành Kiểm sát; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Viện trưởng VKSND tối cao về những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua; các tổ chức công đoàn, chi đoàn hàng năm đều đạt vững mạnh xuất sắc.
Tiết mục văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân
Đồng chí Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động
Hạng Nhì cho tập thể VKSND thị xã Trảng Bàng; trao Huân chương lao động Hạng Ba cho
tập thể Phòng kiểm sát các vụ, việc dân sự hôn nhân và gia đình.
03 tập thể được tặng Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua khối
Chặng đường 45 năm, nhìn lại những thành tựu đã đạt được là kết quả của sự quyết tâm, đoàn kết nhất trí của tập thể công chức VKSND hai cấp, của sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy và chính quyền, của VKSND tối cao, sự hỗ trợ của địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan và niềm tin, sự ủng hộ của quần chúng Nhân dân. Trong thời gian tới, VKSND hai cấp sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.
Ban Biên tập