Khoản 4 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này”.
Vấn đề này được quy định tại khoản 4 Điều 50 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố được ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Quy chế 111), thể hiện: Trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp sau: (1) Bị can kêu oan; (2) Bị can khiếu nại hoạt động điều tra; (3) Có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật; (4) Khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
Và trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có biện pháp hỏi cung bị can trong các trường hợp sau: (1) Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện; (2) Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố; (3) Khi Tòa án yêu cầu điều tra; bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung (khoản 1 Điều 69 Quy chế 111).
Để đảm bảo việc hỏi cung bị can đạt hiệu quả, công tác chuẩn bị là vấn đề có nghĩa quan trọng, trong đó việc dự kiến các câu hỏi, cách đặt câu hỏi sẽ giúp Kiểm sát viên chủ động, linh hoạt trong khi thực hiện. Trong chiến thuật hỏi cung, có các dạng câu hỏi như sau:
- Câu hỏi thẳng: Là câu hỏi mà Kiểm sát viên nêu ra vấn đề cần hỏi và buộc bị can phải trả lời thẳng vào vấn đề đó. Hỏi thẳng tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên làm rõ những tình tiết của vụ án, đồng thời còn có tác dụng tạo ra yếu tố bất ngờ đối với bị can, đẩy bị can vào thế bị động, lúng túng buộc phải khai báo đúng sự thật. Khi hỏi có thể hỏi thẳng vào tội danh, những vấn đề cụ thể cần làm rõ trong quá trình hỏi cung. Khi hỏi thẳng, không nên đưa ra những câu hỏi quá cụ thể, chi tiết để đảm bảo tính khách quan và giữ bí mật nguồn thu thập chứng cứ.
- Câu hỏi bổ sung lời khai: Là câu hỏi nêu ra nhằm mục đích thu thập thêm những thông tin bổ sung cho lời khai trước đó nhưng chưa đầy đủ. Trong quá trình hỏi cung bị can, Kiểm sát viên có thể đưa ra những câu hỏi bổ sung để bị can trả lời nhằm mục đích thu thập những tài liệu bổ sung vào lời khai trước đó của bị can, lấp những chỗ khuyết trong lời khai đó nhằm làm rõ những sự việc, hiện tượng mà lời khai của bị can thiếu chính xác về thời gian, địa điểm xảy ra vụ án, nội dung, diễn biến của sự việc, hiện tượng, nguyên nhân và điều kiện xảy ra vụ án…v.v
- Câu hỏi làm chính xác lời khai: Là câu hỏi nêu ra nhằm mục đích chi tiết hóa lời khai, làm chính xác các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được. Khi bị can khai chưa rõ, chưa cụ thể, chưa có tính thuyết phục, Kiểm sát viên cần đặt câu hỏi để bị can khai một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng về các tình tiết đã xảy ra của vụ án, có ý nghĩa quan trọng để hoàn chỉnh biên bản hỏi cung bị can.
- Câu hỏi gợi nhớ: Là câu hỏi đưa ra nhằm phục hồi trí nhớ của bị can, khơi dậy các mối liên tưởng của bị can về các tình tiết đã qua của vụ án. Những câu hỏi gợi nhớ thường được đưa ra một vài câu liên tục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình nhớ lại kế tiếp nhau. Tránh đặt câu hỏi gợi nhớ mang tính mớm cung.
- Câu hỏi kiểm tra: Là câu hỏi đưa ra nhằm kiểm tra tính xác thực của thông tin trong lời khai trước, nguồn gốc của các thông tin. Những câu hỏi kiểm tra lời khai được đưa ra thường đề cập đến những điều kiện tri giác của bị can lúc xảy ra sự việc, hiện tượng, những cơ sở bị can dựa vào đó để khẳng định lời khai của mình là đúng sự thật.
- Câu hỏi vạch trần lời khai gian dối: Là câu hỏi đưa ra nhằm mục đích vạch trần lời khai gian dối của bị can mà Kiểm sát viên đã có cơ sở khẳng định sự gian dối của lời khai đó. Khi đưa ra những câu hỏi này thường có mối liên hệ với việc sử dụng những chứng cứ đã được kiểm tra khách quan, thận trọng để bác bỏ lời khai gian dối của bị can. Những câu hỏi này thường được cấu tạo từ 2 phần. Phần thứ nhất ghi chép việc đưa ra những chứng cứ đối với bị can, còn phần thứ hai giải thích nội dung của chứng cứ đó và những tình tiết có liên quan.
Ảnh minh họa: Kiểm sát viên đang hỏi cung bị can
Khi đưa ra câu hỏi đối với bị can cần phải tính toán để làm sao loại trừ khả năng bị can trả lời kiểu “Có, không”. Câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu đối với bị can và đề cập đến những vấn đề cần làm rõ. Đặc biệt những câu hỏi đưa ra để bị can trả lời phải có cơ sở và theo một trình tự logic về mặt thời gian.
Yêu cầu chung của các câu hỏi khi đặt ra phải liên quan đến vụ án, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, đúng thuật ngữ pháp lý, ngôn ngữ phổ thông, phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng và nằm trong mối quan hệ logic. Không được đặt câu hỏi mớm cung hoặc dụ cung...vv
Tùy vào độ tuổi, trình độ nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất mức độ điều kiện hoàn cảnh xảy ra hành vi phạm tội; tâm lý của từng bị can mà cán bộ hỏi cung vạch ra chiến thuật hỏi cung bị can khác nhau. Thái độ khai báo của bị can phụ thuộc vào tội danh, khung hình phạt và hậu quả của hành vi phạm tội mà bị can gây ra, vai trò của bị can trong vụ án có đồng phạm. Dự liệu các tình huống bị can thành khẩn khai báo, từ chối khai báo, khai báo gian dối, chối tội để đặt các câu hỏi cho phù hợp. Nguyên tắc hỏi cung bị can phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; Nghiêm cấm bức cung, mớm cung, dụ cung hoặc dùng nhục hình; Thận trọng, khách quan, coi trọng chứng cứ, không dễ tin lời khai của bị can; Lời khai phải được kiểm tra, xác minh, bảo đảm chính xác.
Kết thúc việc hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải hoàn chỉnh biên bản. Việc lập và ký biên bản hỏi cung bị can phải tuân theo những quy định của Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự; phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Kiểm sát viên và bị can cùng ký xác nhận. Sau khi hỏi cung, Kiểm sát viên phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc và yêu cầu bị can, những người tham gia vào quá trình hỏi cung ký vào biên bản. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Nghiêm cấm Kiểm sát viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can./.
Võ Lê Trúc Phương – VKSND huyện Dương Minh Châu