Một số vấn đề cần lưu ý khi xác định tư cách tham gia tố tụng của Doanh nghiệp trong vụ án kinh doanh thương mại

Thứ sáu - 31/03/2023 15:11 1.274 0
Khi giải quyết các vụ án dân sự nói chung và các vụ án kinh doanh thương mại (KDTM) nói riêng, việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, theo quy định của  Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có quyền và nghĩa vụ cụ thể khác nhau.

Đặc biệt, việc xác định không đúng, không đầy đủ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của Tòa án khi giải quyết vụ án. Đa số các tường hợp xác định không đúng, không đầy đủ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến các bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp trên tuyên hủy án.

Điều 68 BLTTDS quy định:

- Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện … để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

- Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong các vụ án KDTM, việc xác định tư cách tham gia tố tụng đối với những vụ án liên quan đến doanh nghiệp thường xác định không đúng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do chưa hiểu đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Khi thực hiện công tác kiểm sát kiểm sát việc giải quyết các vụ án KDTM, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên cần lưu ý một số vấn đề về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự như sau:

1. Trường hợp giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập

Theo quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) thì Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.

Như vậy, đối với giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện khi có tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải căn cứ khoản 6 Điều 84 BLDS để xác định pháp nhân tham gia tố tụng chứ không phải chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch của pháp nhân(1).

Trong nhiều trường hợp Toà án xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, nhất là trong việc xác định chi nhánh, văn phòng giao dịch (không có tư cách pháp nhân) của ngân hàng hoặc doanh nghiệp là đương sự trong vụ án. Thực tế tại Tây Ninh trong thời gian qua, vẫn có những vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp trên hủy theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm trong đó có vi phạm trong việc xác định chi nhánh, văn phòng giao dịch (thường gặp là trong các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng) là đương sự trong vụ án mà Viện kiểm sát không phát hiện vi phạm để thực hiện việc kháng nghị hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị.

Ví dụ: Ông A vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh. Khi xảy ra tranh chấp, Tòa án phải xác định Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là chủ thể tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có thể ủy quyền cho giám đốc “Chi nhánh Tây Ninh” tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền.

2. Trường hợp tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp tư nhân

Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật DN) quy định Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.

Khoản 3 Điều 190 Luật DN quy định “Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, khi tham gia tố tụng phải xác định ông/ bà... chủ doanh nghiệp tư nhân ... tham gia tố tụng(2) 
Ví dụ: Công ty TNHH MTV A khởi kiện ông Trần Văn B là chủ của doanh nghiệp tư nhân X thì Tòa án phải xác định bị đơn trong vụ án là “Ông Trần Văn B - chủ doanh nghiệp tư nhân X”. Không ít các trường hợp Tòa án xác định bị đơn là “Doanh nghiệp tư nhân X do ông Trần Văn B - chủ doanh nghiệp”.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động mà chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc…hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân chết, phải căn cứ Điều 193 Luật DN quy định về Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt, để đảm bảo xác định đúng tư cách đương sự trong vụ kiện có liên quan.

3. Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể

Luật DN không có có định nghĩa hoặc giải thích như thế nào là giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua các quy định về giải thể doanh nghiệp tại Điều 207 đến Điều 212 Luật DN có thể hiểu “Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp về mặt pháp lý được thực hiện theo một trình tự do pháp luật quy định”.Theo Khoản 6 Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 quy định về Đăng ký doanh nghiệp:

“Điều 41. Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp

Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm: 

6. “Đã giải thể, … chấm dứt tồn tại” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp…”

Thực tiễn giải quyết các vụ án KDTM có 02 trường hợp thường gặp liên quan đến doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động về mặt pháp lý: Doanh nghiệp đã bị giải thể và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 207 Luật DN quy định các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau:
“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”

Với quy định trên, nghĩa vụ trả hết tất cả các khoản nợ là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp trước khi giải thể để đảm bảo trách nhiệm đối với các chủ nợ, tránh trường hợp giải thể nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp.
 
Ảnh minh họa trách nhiệm trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể
 
Chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể doanh nghiệp trên cơ sở quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền. Đây được xem là trường hợp giải thể bắt buộc đối với doanh nghiệp. Việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 71 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Dù trong trường hợp doanh nghiệp đã bị giải thể hoặc doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền thì doanh nghiệp đã không còn tồn tại về mặt pháp lý. Trong trường hợp này, người quản lý có liên quan và doanh nghiệp phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Theo đó, việc xác định trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp phụ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp.

- Đối với công ty cổ phần:

Khi giải thể doanh nghiệp, các khoản nợ do cổ đông thực hiện trả trong giới hạn vốn góp vào doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 Luật DN: 
“Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
…”
- Đối với doanh nghiệp tư nhân:

Chủ sở hữu doanh nghiệp trực tiếp tiến hành thanh toán khoản nợ khi khi giải thể doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật DN: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.

- Đối với công ty hợp danh:

Khi giải thể doanh nghiệp, các khoản nợdo thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 177 Luật DN: 
Điều 177. Công ty hợp danh
1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
…”
- Đối với công ty TNHH một thành viên:

Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty, theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật DN: 

“Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.”

- Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên:

Khi giải thể doanh nghiệp, các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật DN: 

“Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này”.

Như đã phân tích phần trên, đối với doanh nghiệp có hai thành viên trở lên hoặc tổ chức là chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên, thì người quản lý có liên quan và doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 207 Luật DN cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Theo quy định tại Điều 288 BLDS về  thực hiện nghĩa vụ liên đới:
“1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
…”
Theo Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020 của VKSND tối cao, tại Điểm c Khoản 5 Mục I đã hướng dẫn đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì việc xác định người tham gia tố tụng áp dụng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 74 BLTTDS:“Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cồ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng”.(3)

Khi nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chủ doanh nghiệptư nhân, chủ sở hữu công ty; cá nhân, tổ chức là thành viên của doanh nghiệp đã giải thể hoặc bị thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp thì khởi kiện tại TAND cấp huyện nơi bị đơn cư trú theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 BLTTDS. Trường hợp có nhiều bị đơn và các bị đơn cư trú ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể khởi kiện tại TAND cấp huyện nơi một trong các bị đơn cư trú theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 BLTTDS.
 
Trần Minh Tân – VKSND huyện Gò Dầu

Ghi chú:
(1), (2): Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC ngày 25/9/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại.
(3): Thông báo số 189/TB-VKS ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây