Về thăm lại vùng “đất thép” - địa đạo Củ Chi

Thứ sáu - 21/10/2022 15:39 968 0
Ngày 20/10/2022, Công đoàn Viện kiểm sát nhân dân huyện Gò Dầu phối hợp với tập thể lãnh đạo tổ chức chuyến “Về nguồn” dâng hương tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi nhằm hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022).

Trước khi xe xuất phát, đồng chí Trần Thị Thụy Vũ - Bí thư chi bộ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gò Dầu thay mặt tập thể lãnh đạo phát biểu ôn lại lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam qua 92 năm xây dựng và phát triển cùng những đóng góp quan trọng của nữ công chức trong đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, mong muốn nữ công chức trong đơn vị tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần sáng tạo và tích cực thi đua lao động, để mỗi nữ công chức đều là những chiến sĩ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Sau gần 01 giờ di chuyển, đoàn đã đến khu vực địa đạo Củ Chi. Đến Khu di tích, đoàn được nhân viên hướng dẫn đến phòng truyền thống để nghe lại lịch sử hình thành địa đạo Củ Chi. Qua đó, chúng tôi được biết:

Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép,” một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Kiến trúc địa đạo mang tính kế thừa và có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là về mặt nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, với những sáng tạo kiệt xuất, đã phát triển đến đỉnh cao trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, mà cả thế giới phải ghi nhận.(1)

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng. Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966, trước những hành động của quân xâm lược Mỹ sau khi vào miền Nam tham chiến. Với sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200km xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất, tựa như “thiên la địa võng”, khiến kẻ thù phải khiếp sợ…Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi gồm: Địa đạo Bến Dược (Căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định (Khu A), Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Khu B) và Địa đạo Bến Đình (Căn cứ Huyện ủy Củ Chi). Về cơ bản, hệ thống địa đạo trong di tích chạy ngoắt nghéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh, ăn thông với nhau, hoặc độc lập, tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ rộng ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương). (2)

Đầu tiên, đoàn được xem đoạn phim tư liệu về “trận càn lịch sử - Trận càn Cedar Falls” mà nhân dân Củ Chi đã trải qua.

Tiếp theo, đoàn được hướng dẫn tham quan khu tái hiện vùng giải phóng: Nơi đây tái hiện các không gian, quan cảnh vùng giải phóng Củ Chi từ sau ngày Đồng Khởi năm 1961 đến năm 1974, gồm: cổng chào của một xã trong vùng giải phóng; cảnh đào địa đạo; trạm giao liên; nhà dân vùng giải phóng; tiệm sửa xe đạp; tiệm cắt tóc; lớp học Thành đoàn; trường học trong vùng giải phóng; nhà trưng bày “Trận đánh Sở Đất Thịt”; nhà trưng bày “Trận đánh tại Ngã ba Cây Gõ”; chế tạo mìn từ trái bom pháo lép; nhà cửa, chùa chiền bị tàn phá nặng nề; khu tái hiện cuộc họp của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; vùng trắng...
 
Ảnh: Hầm chông được bố trí trong chiến tranh
 
Ảnh khu tái hiện cuộc họp của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định
Sau gần hai giờ tham quan và tìm hiểu khu tái hiện vùng giải phóng, đoàn được hướng dẫn đến tham quan, tìm hiểu khu vực mô phỏng cảnh quan kiến trúc Biển đông, Nhà trưng bày sa bàn Trận càn Cedar Falls. Nơi đây, bao gồm các công trình mô phỏng cảnh quan Biển Đông, trong đó tái hiện hình ảnh đất nước Việt Nam nằm dài theo Biển Đông.

Rời Khu tái hiện vùng giải phóng và Khu vực mô phỏng cảnh quan kiến trúc Biển Đông, Nhà trưng bày sa bàn Trận càn Cedar Falls, đoàn tiến về Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược. Đây là một công trình lịch sử văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ .

Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược gồm có các hạng mục:
Cổng tam quan, nhà văn bia, đền chính, Tháp, Hoa viên.

 
Đoàn thắp hương tưởng niệm tại đền chính
 
Ảnh: Đoàn chụp ảnh lưu niệm

Hiện nay, tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Chuyến hành trình đã để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khác nhau khi viếng thăm Khu di tích. Qua đó, tất cả công chức trong đoàn có dịp ôn lại truyền thống cách mạng, tuyên truyền, giáo dục công chức, người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm bản thân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phát huy tình đoàn kết, gắn bó trong toàn thể đơn vị.
 
Trần Minh Tân - VKSND huyện Gò Dầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây