Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 18/02/2025 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 01/3/2025. Bộ Công an sẽ tiếp nhận 5 nhóm nhiệm vụ từ các bộ, ngành, trong đó có nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Đối với việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (trước đây), Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp nhận toàn bộ chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Giao Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại địa phương.
Để hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc khi khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (không còn Công an cấp huyện và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội), ngày 01 tháng 3 năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2025/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 03) với những nội dung đáng chú ý như sau:
1. Công an cấp xã là cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
a. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo quy định tại Điều 32 luật Phòng, chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
b. Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 03, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy quy định tại Điều 96 của luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
Trường hợp người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Trưởng Công an cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Trường hợp người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì Trưởng Công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Trường hợp người nghiện ma túy do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, điều tra, thụ lý trong các vụ vi phạm pháp luật mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 96 của luật Xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan, đơn vị đang thụ lý vụ việc, vụ án hoàn thiện hồ sơ vi phạm và chuyển cho Công an cấp xã có thẩm quyền để lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó;
Hồ sơ đề nghị các trường hợp trên gồm có: biên bản vi phạm; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan;
Trường hợp người nghiện ma túy tự đến Công an cấp xã để khai báo về tình trạng nghiện của mình và có đơn xin đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì hồ sơ đề nghị gồm có: đơn tự nguyện xin đi cai nghiện; bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó; bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan.
Tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó được thực hiện như sau: Nếu người đó có phiếu xác định tình trạng nghiện của cơ quan có thẩm quyền còn trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp thì sử dụng phiếu này; nếu người đó không có phiếu xác định tình trạng nghiện hoặc có phiếu xác định tình trạng nghiện của cơ quan có thẩm quyền cấp đã quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp thì Công an cấp xã hướng dẫn họ thực hiện việc xác định tình trạng nghiện.
Cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh, Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của tài liệu, hồ sơ đề nghị. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, Công an cấp xã lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
c. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 03, việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc hồ sơ, Trưởng Công an cấp xã quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm có:
Hồ sơ quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này và các quy định khác của Điều 41 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;
Văn bản của Trưởng Công an cấp xã về việc đề nghị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Công an cấp xã là cơ quan lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
a. Đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính. Theo quy định tại Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
b. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buột đối với người nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 03, việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
Trưởng Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Trường hợp người nghiện ma túy do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh phát hiện đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc diện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan, đơn vị đang thụ lý vụ việc tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và chuyển cho Công an cấp xã có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản này để lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp tài liệu vi phạm do cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh chuyển chưa đầy đủ thì Trưởng Công an cấp xã đề nghị cơ quan, đơn vị đó bổ sung; thời hạn bổ sung là 02 ngày làm việc.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tài liệu bổ sung, Trưởng Công an cấp xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Hồ sơ đề nghị gồm có: Bản tóm tắt lý lịch; biên bản vi phạm; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy của người đó; bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ; ý kiến của cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp.
Cơ quan, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh, Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý về tài liệu, hồ sơ đề nghị.
c. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 03, việc xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, Công an cấp xã lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi ý kiến về việc lập hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn đọc hồ sơ, Công an cấp xã có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm có:
Hồ sơ quy định tại Điều 9 thông tư liên tịch này và các quy định khác của Điều 51 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP;
Văn bản của Trưởng Công an cấp xã về việc đề nghị xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong nội dung văn bản của Trưởng Công an cấp xã phải nêu ý kiến về bảo vệ quyền trẻ em.
Như vậy, nếu như theo quy định trước ngày 01/3/2025 thì Trưởng Công an cấp xã tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đối với các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đề nghị kèm hồ sơ cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi lập hồ sơ để đề nghị.
Kể từ ngày Thông tư liên tịch số 03 có hiệu lực (ngày 01/3/2025) thì Trưởng Công an xã trực tiếp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp huyện. Đây là nội dung mới, khi Kiểm sát hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các quy định trong Thông tư liên tịch số 03 và các văn bản có liên quan để không xảy ra sai sót.
Ngoài ra, tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 03 quy định, kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành như sau:
Đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi do Công an cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đang giải quyết mà chưa chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện thì bàn giao hồ sơ đó cho Công an cấp xã có thẩm quyền theo quy định Thông tư liên tịch này để tiếp tục giải quyết.
Đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi do Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý, giải quyết mà cần bổ sung hồ sơ đề nghị thì chuyển hồ sơ đó cho cơ quan đã lập hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư liên tịch này. Trường hợp Công an cấp huyện là cơ quan đã lập hồ sơ thì Tòa án nhân dân đề nghị Công an cấp tỉnh phân công Công an cấp xã chịu trách nhiệm tiếp tục giải quyết.
Đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi do Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý, giải quyết mà chưa mở phiên họp xem xét, quyết định thì Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu Công an cấp xã đã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đề nghị tham gia khi mở phiên họp.
Trần Minh Tân – Phòng 1