Trong bài viết này, tác giả nêu vướng mắc, bất cập trong nhận thức và áp dụng Điều 203 Luật đất đai có liên quan đến việc giải quyết một số vụ án trong thực tiễn và đề xuất hoàn thiện.
Điều 203 Luật đất đai năm 2014, quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
….
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Hiện có 3 quan điểm khác nhau về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Một là:
- Trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 203, gồm: Một là phải có giấy CN; Hai là nếu không có giấy CN nhưng có tranh chấp về tài sản gắn liền với đất - yếu tố tranh chấp về tài sản là bắt buộc để xác định thẩm quyền giải quyết, nếu không có tranh chấp về tài sản thì không thuộc thẩm quyền của Tòa án (trường hợp đương sự không chọn Tòa án giải quyết).
- Trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 203 - đương sự không có giấy CN, nếu đương sự lựa chọn UBND giải quyết tranh chấp đất đai, không tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, thì trong trường hợp UBND công nhận quyền sử dụng đất cho ai cũng sẽ có quyền buộc bên sử dụng đất không hợp pháp tự tháo dỡ, di dời tài sản có trên đất đó để giao trả đất cho người được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, nếu không chấp hành sẽ bị UBND tổ chức cưỡng chế thi hành (quy trình cưỡng chế theo quy định của UBND tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
Hai là: Trường hợp đương sự tranh chấp đất đai mà trên đất có tài sản đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, không phân biệt có giấy hay không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai và có hay không có tranh chấp tài sản gắn liền với đất.
Ba là: Căn cứ quy định của pháp luật dân sự, cần xác định phạm vi giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền là phải tôn trọng nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”. Nếu trong đơn tranh chấp đương sự vừa yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất cho mình, vừa yêu cầu xử lý tài sản của người khác trên đất thì UBND quyết định cả 2 nội dung khi giải quyết tranh chấp, nếu chỉ yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất thì UBND không có quyền xử lý tài sản của người khác trên đất, vì như vậy là vượt quá phạm vi yêu cầu, ngăn cản việc tự thỏa thuận, hòa giải của các đương sự...
Tuy nhiên, quan điểm 3 dẫn đến việc hiểu và áp dụng khác nhau hoặc lúng túng khi giải quyết. Bởi lẽ, pháp luật đất đai không quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân tham mưu giúp việc cho UBND khi thụ lý đơn tranh chấp quyền sử dụng đất phải giải thích cho đương sự biết để thực hiện “quyền quyết định, tự định đoạt” của mình, cũng như chưa có quy định về việc hướng dẫn cho đương sự sửa đổi, bổ sung đơn trong trường hợp họ có thay đổi yêu cầu sau khi được giải thích, hướng dẫn tương tự như quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Khi phát sinh khiếu kiện tại Tòa án, không có tài liệu nào thể hiện ý chí của đương sự là có hay không có yêu cầu giải quyết tài sản trên đất; không có tài liệu nào thể hiện việc UBND trong quá trình thụ lý, giải quyết có hay không có hướng dẫn, giải thích cho đương sự thực hiện quyền của mình. Nếu chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu thì việc đánh giá mang tính “chủ quan”, có thể sai lầm vì chưa đúng thực chất. Bởi lẽ người có đơn tranh chấp quyền sử dụng đất luôn có tâm lý muốn giải quyết triệt để vụ việc để giành quyền sử dụng đất cho mình, cụ thể là muốn xử lý tháo dỡ, di dời tài sản của người khác có trên đất để trả lại quyền sử dụng đất và họ cũng không am hiểu thẩm quyền của UBND được giải quyết trong phạm vi nào (khi luật chưa được cụ thể hóa) để thực hiện đầy đủ quyền yêu cầu của mình.
Vụ án dưới đây sẽ minh chứng cho sự bất cập tại Điều 203 Luật đất đai như đã phân tích ở trên.
Nội dung vụ án:
Theo đơn khởi kiện ngày 30-01-2018 của ông Võ Minh Cảng trình bày: Bà Phạm Thị Ngọc Huệ có tranh chấp với ông Võ Minh Cảng phần đất có diện tích 386,1 m2 thuộc thửa 567 tờ bản đồ số 11 (thửa mới 429 TBĐ 18) đất toạ lạc tại ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, Huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 26-10-2017 Chủ tịch ủy ban nhân dân Huyện Dương Minh Châu ban hành Quyết định số 3543/QĐ-UBND với nội dung bác đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Huệ, giữ nguyên hiện trạng diện tích đất cho ông Võ Minh Cảng được tiếp tục sử dụng. Bà Huệ khiếu nại đến Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Ngày 20- 12-2017 Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 3083 có nội dung: Công nhận nội dung đơn khiếu nại đề ngày 07-01-2013 của anh Nguyễn Đình Khương (được mẹ là bà Huệ uỷ quyền), giao Chủ tịch ủy ban nhân dân Huyện Dương Minh Châu thu hồi Quyết định số 3543 ngày 26-10-2012 với lý do là Quyết định số 3543 của Chủ tịch ủy ban nhân dân Huyện Dương Minh Châu là chưa chuẩn xác. Công nhận phần đất có diện tích 227,4 m2 thuộc thửa 429, tờ bản đồ 18 do bà Phạm Thị Ngọc Huệ được quyền sử dụng. Công nhận cho gia đình ông Võ Minh Cảng, vợ là Lê Thị Ngưng phần diện tích ngang 6 mét, dài hết đất diện tích 158,7 m2. Buộc Ông Võ Minh Cảng có trách nhiệm tháo dỡ di dời nhà ở, cây trái, hoa màu và các công trình khác có trên phần đất diện tích 227,4 m2 để giao lại cho bà Phạm Thị Ngọc Huệ sử dụng.
Sau khi nhận được Quyết định số 3083 ngày 20-12-2017 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, ông Võ Minh Cảng khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh huỷ toàn bộ Quyết định số 3083 ngày 20-12-2017 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh với lý do: Phần đất ông Cảng đang sử dụng có nguồn gốc là của cha ông là ông Võ Văn Thường khai phá. Năm 1963 ông Thường bị chế độ cũ gom dân lập ấp chiến lược. Phần đất trên ông Nguyễn Văn Nổi ở nhờ. Sau giải phóng, năm 1975 ông Nổi trả đất dời về ấp Bình Linh, xã Chà Là sinh sống. Đất bị bà Xuyến và bà Ừ bao chiếm sử dụng. Năm 1980 bà Xuyến bà Ừ giao cho bà Huệ phần đất tranh chấp để xây dựng nhà ở. Đến năm 1987 bà Huệ dỡ nhà về cư ngụ tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.
Năm 1988 ông Thường cha ông Cảng về cất nhà ở trên đất, trong năm 1991 bà Huệ tranh chấp và làm đơn khiếu nại. Ngày 26-10-2012, Chủ tịch ủy ban nhân dân Huyện Dương Minh Châu ra Quyết định số 3543 bác đơn khiếu nại của bà Huệ là có căn cứ pháp luật vì đất tranh chấp có nguồn gốc là của gia đình ông Cảng, từ năm 1988 đến nay bà Huệ không ở trên đất nên yêu cầu huỷ Quyết định số 3083 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Người bị kiện - Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trình bày: Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 3083 là đúng quy định của pháp luật. Do đó đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Quyết định số 3083 ngày 20-12-2017 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - Chủ tịch ủy ban nhân dân Huyện Dương Minh Châu, trình bày: Quyết định số 3083 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh là có căn cứ đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh giữ nguyên Quyết định số 3083 ngày 20-12-2017 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - bà Phạm Thị Ngọc Huệ trình bày: Bà thống nhất với Quyết định số 3083 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Võ Minh Cảng. Đất của bà Huệ có nguồn gốc rõ ràng và chuyển nhượng của bà Xuyến bà Ừ từ năm 1980, do lúc đó nhà nước không cho phép mua bán đất nên không có làm thủ tục, bà Huệ cất nhà ở ổn định đến năm 1987, vì lý do công tác nên bà phải dời nhà, nhưng đất có làm hàng rào, bà có gởi đất lại cho bà Ừ trông coi giúp, có xin phép tạm vắng ở địa phương. Gần 30 năm tranh chấp ông Cảng không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc đất.
Tại bản án hành chính sơ thẩm số 12/2018/HC-ST ngày 10-9-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Võ Minh Cảng về yêu cầu hủy Quyết định số 3083 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
...
Ngày 17-9-2018 ông Võ Minh Cảng kháng cáo với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm huỷ quyết định số 3083 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Ngày 04-10-2018 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định kháng nghị số 37/KNPT- VKS- HC với nội dung: Đề nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính sửa bản án sơ thẩm theo hướng huỷ Quyết định số 3083 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện hợp pháp của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân cấp cao tại Thành phổ Hồ Chí minh tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ Kháng nghị và Kháng cáo, hủy quyết định số 3083 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Nhận định của Tòa án nhân dân cấp cao:
Xét nội dung kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử thấy:
Do có khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Huệ nên ngày 03-02-2006 Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu ban hành quyết định số 126/QĐ-UBND giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Phạm Thị Ngọc Huệ và ông Võ Minh Cảng có nội dung:
“ Điều 1. Thu hồi diện tích 386 m2 đất, loại đất thổ vườn, thửa số 567, tờ bản đồ số 11 xã Chà Là ông Võ Minh Cảng đang sử dụng. Giao đất như sau:
1/ Giao quyền sử dụng đất cho bà Phạm Thị Ngọc Huệ diện tích 280,48 m2 loại đất thổ cư nông thôn..
2/ Ghi nhận thiện chí của bà Phạm Thị Ngọc Huệ cho ông Võ Minh Cảng 04 mét ngang, hết chiều sâu thửa đất (diện tích 105,52 m2) loại đất thổ cư nông thôn...”
Ông Võ Minh Cảng có đơn khiếu nại đối với Quyết định số 126/QĐ - UBND nêu trên, ngày 01-11-2007 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh có Báo cáo số 1550/BC-TNMT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có nội dung kết luận và kiến nghị như sau:
“ 1- Kết luận: Đất tranh chấp ông Võ Minh Cảng đã kê khai đăng ký vào sổ địa chính diện tích 386 m2 thửa số 567, tờ bản đồ số 11, xã Chà Là. Căn cứ Khoản 1 Điều 136 Luật đất đai năm 2003 thì trường hợp tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Việc Ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu ban hành Quyết định số 126 về việc giải quyết tranh chấp đất đai là chưa đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2/ - Kiến nghị: Có công văn chỉ đạo UBND huyện Dương Minh Châu thu hồi quyết định số 126...
Hướng dẫn đương sự khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Dương Minh Châu theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 Luật đất đai năm 2003.”.
Ngày 26-11-2007 UBND tỉnh Tây Ninh ban hành công văn số 3149/UBND- VP yêu cầu UBND huyện thu hồi Quyết định số 126 và hướng dẫn đương sự khởi kiện tại Tòa án nhân dân vì có tên trong sổ địa chính.
Ngày 27-3-2008 Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu ban hành quyết định số 1835/QĐ- UBND về việc thu hồi quyết định số 126. Lý do: Việc tranh chấp giữa bà Huệ và ông Cảng thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân.
Ngày 23-7-2010 Toà án nhân dân huyện Đương Minh Châu ban hành bản án dân sự sơ thẩm số 50/2010/DSST ngày 23-7-2010 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa: Bà Phạm Thị Ngọc Huệ với ông Võ Minh Cảng và bà Lê Thị Ngưng.
Ngày 23-02-2011 Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành bản án dân sự phúc thẩm số 34/2011/DSPT huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 50 của Toà án nhân dân huyện Dương Minh Châu và đình chỉ vụ án. Lý do: Không thuộc thẩm quyền của Toà án.
Ngày 26-10-2012 Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu ban hành quyết định 3543/QĐ- UBND giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Huệ.
Ngày 20-12-2017 Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định 3083 giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Huệ có nội dung:... Công nhận phần đất có diện tích 227,4 m2 thuộc thửa 429, tờ bản đồ số 18 do bà Phạm Thị Ngọc Huệ được quyền sử dụng. Công nhận cho gia đình ông Võ Minh Cảng vợ là Lê Thị Ngưng phần diện tích 6 mét chạy dài hết đất (158,7 m2). Buộc ông Võ Minh Cảng có trách nhiệm tháo dỡ di dời nhà ở, cây trái, hoa màu và các công trình khác có trên phần đất diện tích 227,4 m2 để giao lại cho bà Phạm Thị Ngọc Huệ sử dụng.
Như vậy, trên đất tranh chấp có các tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất do gia đình bà Ngưng, ông Cảng tạo lập. Do đó, khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Huệ và gia đình ông Cảng, Ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cần làm rõ các bên có tranh chấp về tài sản trên đất không để xử lý cho đúng thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003; Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013. Trong trường hợp này việc tranh chấp đất giữa bà Huệ với gia đình ông Cảng, bắt buộc phải xử lý tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong Quyết định 3083 Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng nêu về đăng ký kê khai phần đất tranh chấp “Đến năm 2001 thì UBND xã Chà Là lại cho ông Cảng đăng ký kê khai trong sổ địa chính của xã là không đúng quy định về pháp luật đất đai”.
Vì vậy, việc Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu đã ban hành ban hành quyết định 3543 giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Huệ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định 3083 giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Huệ, buộc ông Võ Minh Cảng có trách nhiệm tháo dỡ di dời nhà ở, cây trái, hoa màu và các công trình khác có trên phần đất diện tích 227,4 m2 để giao lại cho bà Phạm Thị Ngọc Huệ sử dụng. Căn nhà này ông Cảng xây cất năm 2009, kết cấu nhà tường, cột bê tông, nhà cấp 4, chữ L, dài 17 m, ngang 5,8 m, nở hậu chữ L: 8,5 m. Ngoài ra, ông Cảng còn xây dựng 01 nhà tạm để sửa xe gắn máy...
Theo bản án sơ thẩm số 50 của Tòa án nhân dân huyện Dương Minh Châu thì “Trị giá căn nhà cấp 4A của vợ chồng ông Cảng có giá là 175.478.400 đồng, nhà tạm trị giá 3.815.830 đồng, chân điện thắp sáng 7.500.000 đồng, giếng khoan trị giá 500.000 đồng” là không đảm bảo quyền lợi về tài sản gắn liền quyền sử dụng đất của ông Cảng và bà Ngưng. Do vậy, cần phải hủy các quyết định giải quyết tranh chấp đất số 3543 của Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu và Quyết định số 3083 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh để giải quyết lại vụ án cho đúng thẩm quyền.
Tuyên xử:
- Chấp nhận một phần Kháng nghị số 37 của Viện trưởng Viện kiểm sát..., một phần kháng cáo của ông Võ Minh Cảng. Sửa bản án sơ thẩm.
Hủy Quyết định số 3543 của Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu; Hủy Quyết, định số 3083 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh để giải quyết lại vụ án cho đúng thẩm quyền.
...
Nhận định như trên chưa thỏa mãn hoàn toàn với giải thích tại quan điểm 3, là phải tôn trọng quyền định đoạt của đương sự. Trong vụ án này bà Huệ nêu trong đơn là tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Cảng, không đề cập đến việc yêu cầu giải quyết tài sản, do đó UBND thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền (quan điểm 1), Tòa án cấp cao lại kết luận bắt buộc phải xử lý tài sản trên đất nên thuộc thẩm quyền của Tòa án (quan điểm 2) trong khi trước đó đặt ra yêu cầu đối với UBND là cần phải làm rõ các bên có tranh chấp về tài sản trên đất không?
Do nhận thức khác nhau như trên, nên thực tiễn giải quyết khiếu kiện đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của hai cấp tiến hành tố tụng sơ thẩm và phúc thẩm thời gian qua có quan điểm khác nhau. Cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai theo hướng:
“2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, kể cả trường hợp có tài sản gắn liền với đất ...”.
Hoặc:
“2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này, trừ trường hợp trên đất đã có tài sản gắn liền thì thuộc thẩm quyền của Tòa án;
Võ Thị Loan - Phòng 10 VKSND tỉnh