Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, các tội phạm về ma túy được quy định tại 13 điều, từ Điều 247 đến Điều 259. Nhìn chung, những tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt đối với các tội phạm về ma túy được Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 định lượng cụ thể, dễ nhận thức và áp dụng trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, phần nào khắc phục được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, vẫn còn những quan điểm nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đối với một số tình tiết định tội, định khung hình phạt trong các tội phạm về ma túy, cần có sự giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có tình tiết định tội quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự quy định:
“1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.”
Qua thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy, hiện có 02 quan điểm nhận thức và áp dụng khác nhau đối với tình tiết định tội quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự. Điển hình là vụ Nguyễn Quốc D bị Công an thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh bắt quả tang tàng trữ chất ma túy loại heroin với khối lượng 0,3648 gam vào ngày 28/5/2020. Về nhân thân Nguyễn Quốc D có 01 tiền án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với mức án 15 tháng tù. Đã chấp hành xong hình phạt tù vào ngày 21/01/2020, chưa được xóa án tích. Với hành vi phạm tội và nhân thân của Nguyễn Quốc D nêu trên, hiện có 02 quan điểm nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau trong việc truy tố, xét xử Nguyễn Quốc D. Cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của Nguyễn Quốc D phạm vào tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự. Theo quan điểm này, chỉ áp dụng tình tiết định tội quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự khi khối lượng chất ma túy thu giữ trong vụ án không đủ định lượng theo quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, do khối lượng ma túy thu giữ của D là 0,3648 gam heroin, đã đủ định lượng cấu thành tội phạm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, nên tiền án được sử dụng làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì theo tinh thần quy định tại điểm tiểu mục 3.6 và 3.7 mục 3 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999. Nếu khối lượng ma túy dưới mức định lượng mà không có các điều kiện như đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích thì hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị xử lý hành chính. Trong trường hợp khối lượng ma túy đủ định lượng thì tiền sự được xem là nhân thân xấu, tiền án được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 194 BLHS. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 194 của BLHS 1999.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của Nguyễn Quốc D phạm vào tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại điểm a và c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, vì điểm a không quy định về định lượng khối lượng chất ma túy là bao nhiêu. Ngoài ra, tại Mục 16 Phần II của Sách giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy do Văn phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành năm 2019 (trang 120) hướng dẫn: “Người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy đủ mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 và trước đó người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc một trong các tội: Sản xuất trái phép chất ma túy; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Mua bán trái phép chất ma túy; Chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; trường hợp này phải áp dụng cả điểm a và các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015.”
Qua 02 quan điểm nhận thức và áp dụng pháp luật nêu trên, dưới góc độ người làm công tác thực tiễn, tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất về việc truy tố, xét xử Nguyễn Quốc D về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, trên những cơ sở lập luận sau:
Một là, qua thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự từ Bộ luật Hình sự năm 1985 đến Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hầu hết các tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự chỉ sử dụng yếu tố nhân thân (tiền án, tiền sự) của bị can để làm tình tiết định tội khi hành vi nguy hiểm gây ra hậu quả chưa đủ định lượng cấu thành tội phạm quy định tại khung cơ bản của điều luật. Đối với trường hợp hành vi nguy hiểm gây ra hậu quả đã đủ định lượng cấu thành tội phạm tại khung cơ bản thì tiền sự được sử dụng để xác định nhân thân của bị can; tiền án được sử dụng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, cần có sự nhận thức và áp dụng thống nhất trong tất cả các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự, không thể có trường hợp ngoại lệ hành vi đã đủ định lượng cấu thành tội phạm, lại sử dụng tiếp yếu tố nhân thân (tiền án, tiền sự) để định tội. Điều đó không đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất trong việc sử dụng yếu tố nhân thân (tiền án, tiền sự) để định tội danh giữa các tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Hai là, mặc dù tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 không quy định cụ thể khối lượng chất ma túy bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm này, nhưng Nhà làm luật đã sử dụng khái niệm “... mà còn vi phạm”. Ngoài ra, tại Điều 1 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “... Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt”. Điều đó cho thấy, mỗi một tình tiết quy định từ điểm a đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự đều là hành vi phạm tội và được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Do đó, khái niệm “vi phạm” mà Nhà làm luật quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự chỉ được xem là hành vi phạm tội khi đi kèm thêm một trong các điều kiện “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích”, bản thân khái niệm “vi phạm”nếu tách độc lập ra khỏi các điều kiện này thì không phải là hành vi phạm tội như hành vi quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khái niệm “vi phạm” được Nhà làm luật sử dụng trong trường hợp này phải được hiểu theo nghĩa hẹp, tức nó chỉ là “hành vi vi phạm pháp luật” chưa đến mức bị xem là tội phạm, nghĩa là khối lượng ma túy tàng trữ trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự phải dưới mức định lượng quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy đã đủ định lượng được xem là hành vi phạm tội quy định tại các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, chúng ta lại sử dụng yếu tố nhân thân (tiền án, tiền sự) để định tội danh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, sẽ tạo ra một vùng chồng lấn trong việc định tội giữa điểm a với các điểm khác thuộc khoản 1 trong cùng điều luật. Điều đó thể hiện tính không logic, không khoa học trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật.
Ba là, nếu thống nhất định tội danh Nguyễn Quốc D phạm vào điểm a, c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự theo quan điểm thứ hai nêu trên, trong trường hợp bị can thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng thuộc các tình tiết quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, mặc dù bị can có nhiều tiền án thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, chúng ta cũng không thể áp dụng điểm o (tái phạm nguy hiểm) khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự để truy tố, xét xử được. Vì về nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự, nếu đã sử dụng tiền án để làm tình tiết định tội thì không thể sử dụng làm tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Điều đó dẫn đến quy định về tình tiết định khung tăng nặng tại điểm o khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự sẽ không thể áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử đối với những trường hợp bị can chỉ thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng thuộc khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, trên đây là trường hợp xảy ra phổ biến rất cần được Liên ngành Tư pháp Trung ương hướng dẫn áp dụng thống nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho các Cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương trong việc điều tra, xử lý các tội phạm về ma túy.
Trần Nhật Linh - Phòng 1 VKSND tỉnh