1. Các quy định pháp luật và đặc điểm của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm các Điều 142, 144, 145, 146, 147. Điểm mới của các tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em thì trẻ em nam có thể trở thành nạn nhân của những tội phạm này; có 03 tội danh quy định tại các Điều 145, 146, 147 có chủ thể đặt biệt là người đủ 18 tuổi trở lên. Ngoài quy định của Bộ luật hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019, ngày 01/10/2019 (Nghị quyết 06) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 liên quan đến xâm hại tình dục; Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 của Liên ngành tư pháp trung ương về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Hình thức xâm hại phổ biến là giao cấu; bằng cách đụng chạm và không đụng chạm như thực hiện một số hành vi hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục; sờ mó vào bộ phận sinh dục … địa bàn xảy ra chủ yếu ở khu vực nông thôn, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp; loại tội phổ biến “Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142); “Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145)”; “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” (Điều 146).
Hình ảnh một phiên tòa xét xử tại Tân Châu
2. Một số khó khăn trong việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
2.1. Khó khăn trong áp dụng các quy định pháp luật.
Hiện nay, ngoài các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì Nghị quyết số 06/2019, ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa an tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 liên quan đến xâm hại tình dục, đã hướng dẫn cụ thể các khái niệm liên quan đến các hành vi đối với các tội danh trên. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn.
* Đối với tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06 hướng dẫn: “ Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:… Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi). Trong hướng dẫn trên có một số nội dung không rõ:
+ Tiếp xúc về thể chất đến bộ phận khác trên cơ thể người dưới 16 tuổi. Bộ phận khác trên cơ thể được Nghị quyết hướng dẫn là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm như: tay, chân miệng, lưỡi, cổ, gáy.
+ Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi). Như vậy, dấu “…” trong hướng dẫn này là quy định tùy nghi, có đồng nhất với việc hôn vào bộ phận khác trên cơ thể người dưới 16 tuổi hay không?
Thực tế khi một người đã trên 18 tuổi nhưng có hành vi hôn vào tay, chân, bụng của người dưới 16 tuổi thì rất khó để xác định hành vi cấu thành tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
* Thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi nhưng nhằm mục đích để quan hệ tình dục.
Ví dụ: Bị can A trước đó đã thực hiện hành vi giao cấu với B là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Sau đó 01 ngày, A rũ B đến nhà chơi do nhà chỉ có hai người nên A đã có hành vi hôn, sờ vào bộ phận nhạy cảm của B, lúc này người nhà của A về nên A không thực hiện hành vi giao cấu với B. Như vậy, hành vi của A có 03 quan điểm khác nhau:
Thứ nhất, hành vi của A cấu thành tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự thì tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” có cấu thành độc lập với nhau, cho nên hành vi của A thỏa mãn cấu thành của 02 tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự 02 tội.
Thứ hai, hành vi của A chỉ cấu thành tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” với tình tiết định khung “phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm b khoản 2 Điều 145 BLHS. Theo khoa học pháp lý có khái niệm “thu hút tội phạm” khi hành vi này là tiền đề để thực hiện hành vi khác thì sẽ được thu hút vào hành vi nặng hơn.
Qua điểm thứ ba, hành vi của A chỉ cấu thành tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 145 BLHS. Theo hướng dẫn của Nghị quyết 06 thì hành vi “Dâm ô” phải có yếu tố tình dục nhưng không nhằm mục đích quan hệ tình dục, nếu một người thực hiện hành vi “Dâm ô” nhưng mục đích để quan hệ tình dục thì không thể xử lý về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” mà xử lý về tội danh khác nếu thỏa mãn các cấu thành. Trong tình huống trên hành vi của A ở lần thứ 2 chỉ dừng lại ở hành vi sờ mó, hôn hít vào bộ phận nhạy cảm chưa có sự xâm nhập ở bộ phận sinh dục thì không đủ cấu thành để xử lý về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
* Đối với tình tiết phạm tội 02 lần trở lên quy định ở điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự đã được Nghị quyết 06 hướng dẫn là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế có nhiều trường hợp bị can xâm tình dục nhiều lần đối với 01 người dưới 16 tuổi tại 01 địa điểm, trong một khoản thời gian liên tục (trong một đêm A đã 03 lần thực hiện hành vi giao cấu với B mỗi lần cách nhau 03 giờ đồng hồ tại một địa điểm). Trước đây, Tòa án tối cao có công văn số 206/TA-HS, ngày 13/8/2013 hướng dẫn trường hợp trên không áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần đối với bị can, bị cáo và thực tế trong thời gian qua địa phương đã vận dụng nội dung công văn 206 nên trường hợp trên chỉ tính phạm tội 01 lần. Hiện nay, nếu tiếp tục vận dụng nội dung công văn 206 thì có phù hợp với nội dung hướng dẫn của Nghị quyết 06 hay không?.
2.2. Khó khăn trong thực tiễn xử lý đối với các loại tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Thông thường, khi sự việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra người bị hại hoặc gia đình của họ thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình, thuần phong mỹ tục mà giấu giếm bỏ qua hặc tự thỏa thuận với người thực hiện hành vi phạm tội mà không trình báo với cơ quan có thẩm quyền, đến khi không thỏa thuận được mới trình báo cơ quan chức năng từ đó việc thu thập chứng cứ vật chất là rất khó khăn nhất là việc thu thập mẫu tinh dịch, mẫu ADN để lại trên người và quần áo của nạn nhân hoặc ở hiện trường để phục vụ công tác giám định là không thể thực hiện được. Mặt khác, một số bị hại có tình cảm đối với người thực hiện hành vi phạm tội nên không hợp tác hoặc hợp tác không chặt chẽ với cơ quan xử lý, gây khó khăn không nhỏ cho công tác giám định, điều tra, truy tố, xét xử, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn, như: Người bị hại không có giấy khai sinh gốc hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác; cha, mẹ của người bị hại nhớ nhầm ngày sinh của người bị hại (ngày âm lịch, dương lịch), hoặc khai không đúng ngày sinh nên khi có mâu thuẫn việc thu thập chứng cứ thường gặp khó khăn do phần lớn phụ thuộc vào sự phối hợp cung cấp của cơ quan khác.
3. Giải pháp để khắc phục những vướng mắc nêu trên:
- Trước khi xử lý Liên ngành tư pháp cần đưa ra phân tích và thống nhất hướng xử lý, tránh trường hợp phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
- Tùy tình hình thực tế đối với từng việc Cơ quan tiến hành tố tụng cần vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời tranh thủ ý kiến cấp ủy địa phương về đường lối xử lý nhằm đảm bảo tính răn đe phòng ngừa tội phạm và phục vụ tình hình địa phương.
4. Một số kiến nghị, đề xuất
Cần hướng dẫn cụ thể hơn về hành vi “Dâm ô”, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi; bổ sung thêm tội danh mới vào BLHS năm 2015 đối với hành vi tiếp xúc với những bộ phân nhạy cảm của trẻ em nhằm mục đích quan hệ tình dục nhưng không có hành vi xâm nhập bộ phân sinh dục hoặc các hành vi đụng chạm vào người và có những lời lẽ gạ tình rủ quan hệ tình dục. Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc, tương xứng hơn góp phần hạn chế những hành vi lệch chuẩn của xã hội, hành vi vi phạm pháp luật, hành vi quấy rối tình dục.
Thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo, mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng kiểm sát, giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong phạm vi ngành nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em và có nhiều thông báo rút kinh nghiệm cho các Viện kiểm sát nhân dân địa phương về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực này./.
Nguyễn Thành Lang- Phó Viện trưởng VKSND huyện Tân Châu