Ngày 19 tháng 10 năm 2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP “quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” (sau đây gọi tắt là Thông tư 04/2018). Có thể nói, sự ra đời của Thông tư này đã quy định chi tiết trong việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố, điều tra và truy tố, tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc chuyển vụ án để điều tra có một số bất cập cần khắc phục như sau:
Khoản 1 Điều 29 Thông tư 04/2018 quy định về chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền có ghi: “1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu xác định thẩm quyền điều tra để trao đổi về việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời. Tùy từng trường hợp, việc chuyển vụ án được xử lý như sau:
a) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì Cơ quan điều tra đang điều tra có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền;
b) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra không nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì phải có văn bản nêu rõ lý do; nếu lý do không có căn cứ thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải tiếp nhận hồ sơ vụ án khi có quyết định chuyển vụ án của Viện kiểm sát; nếu lý do không nhất trí do tranh chấp về thẩm quyền điều tra, thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án phối hợp cùng Viện kiểm sát cùng cấp báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết về thẩm quyền điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Việc quy định “Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời” được hiểu là trong 05 ngày Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền điều tra phải thực hiện xong việc trao đổi để có văn bản trả lời cho Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án. Tuy nhiên, với thời hạn 05 ngày là rất khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp vì có những vụ án phức tạp, tài liệu trong hồ sơ nhiều nên việc nghiên cứu để xác định thẩm quyền cần nhiều thời gian. Sau khi Cơ quan có thẩm quyền điều tra nghiên cứu thì Viện kiểm sát cũng cần có thời gian để nghiên cứu ban hành văn bản để trả lời cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra. Do đó, nên chăng cần quy định thời hạn này là 10 ngày để tạo điều kiện cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp thực hiện nghiên cứu hồ sơ xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết hay không.
Trong quá trình thực hiện quy định này, tại địa phương có xảy ra trường hợp Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp huyện thống nhất chuyển vụ án và làm văn bản trao đổi với Cơ quan điều tra cấp tỉnh. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cấp tỉnh lại có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát tỉnh thể hiện quan điểm không đồng ý với việc chuyển vụ án này. Qua nghiên cứu tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, Viện kiểm sát tỉnh đồng ý với quan điểm của Cơ quan điều tra cấp huyện và có văn bản trả lời Cơ quan điều tra tỉnh. Nhưng sau đó vụ án không được chuyển lên Cơ quan điều tra tỉnh để điều tra, Viện kiểm sát tỉnh cũng không biết lý do tại sao không chuyển. Thông qua công tác theo dõi, kiểm tra cáo trạng cấp dưới, phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh phát hiện Cơ quan điều tra huyện đã tiến hành điều tra, kết thúc điều tra và Viện kiểm sát huyện đã truy tố.
Rõ ràng trong vụ việc này có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cấp tỉnh, do Viện kiểm sát tỉnh không nhận được văn bản trả lời cấp huyện của Cơ quan điều tra tỉnh, nên không biết được nội dung trả lời là như thế nào (đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của cấp huyện hay nêu cả hai quan điểm của Cơ quan điều tra tỉnh và Viện kiểm sát tỉnh trong văn bản trả lời cấp huyện). Điều này xuất phát từ việc Điều 29 Thông tư 04/2018 không quy định Cơ quan điều tra tỉnh phải gửi văn bản trả lời cấp huyện cho Viện kiểm sát tỉnh.
Việc trả lời của cấp tỉnh mặc dù không mang tính chất bắt buộc cấp huyện phải thực hiện nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm giải quyết vụ án của cấp huyện. Trong thực tế, nếu Cơ quan điều tra tỉnh ban hành văn bản trả lời vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp huyện sẽ “không dám” thực hiện việc đề nghị Viện kiểm sát huyện ban hành quyết định chuyển vụ án, mặc dù Cơ quan điều tra huyện có quyền này theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Thông tư 04/2018. Từ đó, sẽ dẫn đến việc điều tra không khách quan. Cơ quan điều tra sẽ điều tra theo hướng chủ quan, “lái” vụ án sang hướng khác theo ý của Cơ quan điều tra cấp tỉnh. Điều này rất dễ dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tất nhiên, quá trình điều tra của cấp huyện vẫn có Viện kiểm sát huyện thực hiện chức năng kiểm sát. Nhưng nếu văn bản trả lời của Cơ quan điều tra tỉnh có nội dung không đồng ý tiếp nhận vụ án để điều tra, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc quyết định chuyển vụ án của Viện kiểm sát huyện. Mặt khác, theo quy định văn bản trao đổi của Viện kiểm sát tỉnh với Cơ quan điều tra tỉnh cũng không được lưu trong hồ sơ vụ án, nên Viện kiểm sát huyện cũng không biết quan điểm của Viện kiểm sát tỉnh như thế nào để thực hiện việc báo cáo với Viện kiểm sát tỉnh trong quá trình kiểm sát để xin ý kiến chỉ đạo.
Do đó, khi nhận được Cáo trạng của Viện kiểm sát huyện gửi lên phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh, phòng nghiệp vụ phải nghiên cứu lại hồ sơ từ khi trao đổi quan điểm đến khi kết thúc điều tra để xác định việc cấp huyện thụ lý là đúng thẩm quyền hay không để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh quyết định. Nhưng điều này gặp nhiều khó khăn vì hồ sơ chính đã chuyển sang Tòa án để xét xử; hồ sơ kiểm sát thiết lập nhiều khi không đầy đủ. Hơn nữa, khi có văn bản trả lời của Cơ quan điều tra cấp tỉnh về việc vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh, thì “ngầm” coi như đây là sự “chỉ đạo” của Cơ quan điều tra cấp trên đối với cấp dưới, vụ án sẽ được điều tra theo hướng thuộc thẩm quyền của cấp huyện.
Để khắc phục tình trạng bất cập này trong quy Thông tư 04/2018, theo tôi Viện kiểm sát cấp huyện và cấp tỉnh cần có sự phối hợp để làm tốt chức năng kiểm sát việc trao đổi chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Theo đó, khi Viện kiểm sát tỉnh ban hành Công văn trao đổi với Cơ quan điều tra tỉnh để xác định thẩm quyền điều tra vụ án, cần gửi văn bản này cho Viện kiểm sát cấp huyện đang thụ lý vụ án để biết và thực hiện kiểm sát điều tra theo quy định (hoặc ngược lại). Tương tự, khi thực hiện trao đổi việc chuyển vụ án giữa các đơn vị cùng cấp (giữa các huyện hoặc các tỉnh với nhau) thì Viện kiểm sát các huyện hoặc các tỉnh cũng cần phối hợp theo cách thức như trên nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, tránh việc “đi chệch hướng” điều tra.
Nguyễn Thị Hằng Phòng 1-VKSND tỉnh Tây Ninh