Vừa qua, TAND thành phố Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông N. T. C, bà P. T. T. N và bị đơn là bà T.T.T.T, bà N. T. P.
Theo nội dung vụ án ngày 24/01/2024, bà P (là mẹ ruột của bà T) có chuyển nhượng cho ông C, bà N nhà đất toạ lạc tại xã B.M, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực. Do bà T tự xác định việc mẹ bà bị lừa nên bà đã đăng thông tin không đúng sự thật về ông C, bà N trên 4 nhóm thuộc mạng xã hội Facebook với nội dung: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Mẹ mình nông dân nên bị hai vợ chồng này kết hợp với bên ngân hàng cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mẹ mình với số tiền như trên, ace trong nghề xem giúp em tình hình này giải quyết ntn ạ, em cám ơn”.
Sau khi bà T đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội, khiến nhiều người có suy nghĩ không đúng, tiêu cực. Ông C, bà N đã có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với bà T gửi đến UBND xã B.M. Ngày 23/4/2024, UBND xã B.M ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với bà T về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, xử phạt số tiền 2.500.000 đồng.
Ngày 29/3/2024, ông C, bà N làm đơn khởi kiện gửi đến TAND thành phố Tây Ninh yêu cầu bà T, bà P cùng liên đới công khai xin lỗi và bồi thường tổn thất tinh thần cho ông C số tiền 23.490.000 đồng, bà N số tiền 23.490.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên án, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, cụ thể buộc bà T công khai xin lỗi trên 4 nhóm mạng xã hội bà T đã đăng tải và bồi thường tổn thất tinh thần cho ông C và bà N tổng số tiền 23.490.000 đồng. Đối với bà P, không có căn cứ để xác định bà P có tham gia cùng với bà T đăng tải thông tin trên mạng xã hội nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu này.
Vụ việc trên chính là lời cảnh tỉnh cho những người sử dụng mạng xã hội làm phương tiện để thể hiện phát ngôn của mình. Việc dùng mạng xã hội để thực hiện hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là xâm phạm đến quyền nhân thân mà pháp luật bảo vệ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại, buộc phải công khai xin lỗi và thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, đúng quy định của pháp luật.
Tiểu Phương, Vân Anh – VKSTP Tây Ninh