Viện kiểm sát nhân dân được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Như vậy, bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát còn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp – thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp; thực chất đây là hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật đối với các chủ thể thực hiện, tham gia các hoạt động tư pháp. Có thể nói, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất vừa được giao nhiệm vụ thực hiện quyền công tố, vừa thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp của Nhà nước ta. Để thực hiện tốt các chức năng này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ngành kiểm sát bắt buộc phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong Ngành.
Thực hiện theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, toàn ngành Kiểm sát phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng” và “đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung chính, chí công, vô tư”. Phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tiếp thu và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thị xã Trảng Bàng đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, điển hình như:
Thứ nhất, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết và tổ chức ký cam kết thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay và thời gian tới; xây dựng tổ chức đảng tại đơn vị trong sạch, vững mạnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đơn vị đã tổ chức học tập, quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cụ thể: Quy định 114-QĐ/TW ngày 07/11/2023 của Bộ Chính trị về kiểm sát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định 116-QĐ/TW ngày 28/7/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành kiểm sát nhân dân; Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Song song đó, đơn vị đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị ký cam kết thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung cam kết “Nói không với tiêu cực và tham nhũng” gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, tham nhũng vặt, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ…
Việc ký cam kết đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, tham những, lãng phí, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác đánh giá, chuyển đổi vị trí công tác của đội ngũ công chức.
Tại khoản 1 Điều 25 Luật phòng chống tham nhũng 2018 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2019, quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ”. Cụ thể hóa quy định trên, ngày 28/4/2021 Viện KSND tối cao ban hành Quy định Về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC); áp dụng đối với công chức, viên chức đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp, có vị trí làm việc trong lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Đồng thời quán triệt các nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác cụ thể sau: định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhằm phòng ngừa tham nhũng; việc chuyển đổi vị trí công tác phải phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật về công chức, viên chức và quy định của pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân; phải đảm bảo sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ của người được chuyển đổi vị trí công tác, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị; phải được thực hiện theo kế hoạch và công khai, minh bạch trong cơ quan, đơn vị.
Xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh việc thường xuyên tăng cường công tác quản lý, giáo dục công chức và người lao động; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành kiểm sát nhân dân; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề toàn khóa 2020 – 2025 về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương khóa XII về “ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Ngành kiểm sát nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xem trọng công tác giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân gắn với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành; nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong đơn vị; Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thị xã Trảng Bàng đã thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với cán bộ, công chức tại đơn vị để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhằm đáp ứng yêu cầu tự đào tạo trong Ngành kiểm sát nhân dân, theo đó một người “Giỏi một vài việc, biết nhiều việc”, song song đó là thực hiện hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực việc xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc chuyển đổi vị trí công tác, Trong năm 2024, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Trảng Bàng thực hiện chuyển đổi vị trí công tác chuyên môn nghiệp vụ 02 trường hợp, cụ thể: 01 Kiểm sát viên từ bộ phận kiểm sát thi hành án dân sự sang bộ phận kiểm sát tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự và 01 Kiểm sát viên từ bộ phận kiểm sát tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự sang bộ phận kiểm sát án hình sự. Các trường hợp chuyển đổi vị trí công tác đều đảm bảo phát huy năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và bảo đảm hiệu quả công tác tại đơn vị.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát.
Xác định công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng, nhằm kịp thời ngăn ngừa thiếu sót, khuyết điểm, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Trong thời gian qua, Chi bộ Viện kiểm sát thị xã Trảng Bàng luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát; đưa công tác kiểm tra, giám sát từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính nghiêm minh; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo hướng toàn diện, chất lượng và sâu sát đến toàn thể đảng viên của chi bộ.
Đảng viên Chi bộ khi được được phân công thực hiện kiểm tra, giám sát luôn khách quan, công tâm, đề cao trách nhiệm; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Cùng với đó, chi ủy đã làm tốt việc nắm bắt tư tưởng, thực hiện hướng dẫn, giúp đỡ, động viên, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần tự giác, dũng cảm đấu tranh với chính mình của đảng viên được phân công kiểm tra, giám sát. Qua đó, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên; giáo dục cho đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đồng thời hạn chế khuyết điểm, ngăn ngừa sai phạm.
Trong nhiệm kỳ qua, cấp uỷ chi bộ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm, bảo đảm về số lượng, chất lượng, nội dung; thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên thường xuyên, chuyên đề. Nội dung kiểm tra, giám tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ, Đảng bộ; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương; những điều đảng viên không được làm; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng tập thể đoàn kết, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao….
Cùng với triển khai các giải pháp phòng ngừa, đơn vị đã thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử để cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực… đảm bảo ổn tịnh tình hình chính trị tại địa phương.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những lĩnh vực khó khăn, phức tạp; hành vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Vì vậy, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đơn vị xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể cán bộ, công chức và người lao động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; công khai minh bạch tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành công vụ của cán bộ, công chức tại đơn vị; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực./.
Phạm Công Thân - Viện KSND thị xã Trảng Bàng