Ứng dụng sơ đồ tư duy để phục vụ công tác báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát án hình sự

Thứ sáu - 27/10/2023 14:30 1.076 0
Báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện là một nhiệm vụ rất quan trọng của Kiểm sát viên công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát vụ án hình sự. Thông qua báo cáo, đề xuất hướng giải quyết của Kiểm sát viên, Lãnh đạo Viện sẽ đưa ra quyết định giải quyết. Do vậy, để giúp cho Lãnh đạo Viện đưa ra được quyết định đúng đắn theo quy định của pháp luật, đòi hỏi Kiểm sát viên phải báo cáo đầy đủ, trung thực các nội dung liên quan đến vụ án, vụ việc đó. Trước khi áp dụng giải pháp mới, tác giả nhận thấy việc báo cáo đề xuất theo phương pháp truyền thống (tức là bằng văn bản giấy) còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt khi báo cáo đề xuất các vụ án, vụ việc phức tạp, có nhiều bị can, bị cáo, người nghe sẽ khó hiểu, dễ nhầm lẫn hoặc khó nắm được toàn bộ các tình tiết quan trọng liên quan đến giải quyết vụ án, vụ việc. Chính vì lý do đó, việc ứng dụng sơ đồ tư duy nhằm phục vụ công tác báo cáo, đề xuất của Kiểm sát viên có thể khắc phục những nhược điểm, hạn chế của cách báo cáo truyền thống trước đây. Qua đó, giúp cho Lãnh đạo và người xem nắm bắt nhanh nội dung vụ án, tập trung vào các tài liệu chứng cứ quan trọng, thông qua hình ảnh trình chiếu có thể nhìn nhận, đánh giá được ngay quyết định đường lối giải quyết vụ án, vụ việc chính xác, khách quan; góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân và chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng sơ đồ tư duy trong quá trình công tác là một đòi hỏi tất yếu cần phải thực hiện tốt trong thời gian tới.
 
I.  Khái quát về sơ đồ tư duy:

Sơ đồ tư duy hay còn gọi là Giản đồ ý (Mindmap) là hình thức ghi chép phi tuyến tính dưới tạng biểu đồ mở rộng, sử dụng đường nét và hình ảnh để biểu thị, phát triển hay đào sâu một ý tưởng nào đó. Nó phản án quá trình tư duy diễn ra bên trong đầu óc con người, có tác dụng hệ thống hóa các nội dung tri thức, thúc đẩy hoạt động ghi nhớ và phát huy tiềm năng sáng tạo.

Hay nói cách khác, Sơ đồ tư duy là một phương pháp kết nối, lưu trữ, sắp xếp thông tin và xác lập thông tin theo mô hình đồ họa bằng cách sử dụng từ khóa, hình ảnh chủ đạo hoặc các màu sắc khác biệt để dễ dàng ghi nhớ và phát triển các ý tưởng. Mỗi chi tiết ghi nhớ chủ đạo trong sơ đồ tư duy là chìa khóa để khai mở các nội dung và ý tưởng có liên quan làm khơi nguồn khả năng tư duy của não bộ.

Cấu tạo của sơ đồ tư duy gồm: Nhánh chính, các nhánh phụ, hình ảnh gợi nhớ, từ khóa liên quan và được thể hiện bởi các màu sắc, kích cỡ khác nhau nhằm đẩy mạnh khả năng gợi nhớ thông tin.
Với sơ đồ tư duy, con người có thể tóm gọn những nội dung có dung lượng thông tin lớn bằng một sơ đồ. Vì vậy, việc ứng dụng Sơ đồ tư duy để hệ thống lại toàn bộ vụ án hình sự là hoàn toàn khả thi, có thể mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát vụ án hình sự.

II. Các bước chuẩn bị trước khi xây dựng sơ đồ tư duy để báo cáo, đề xuất

Bước 1: Xác định tiêu chí vụ án, vụ việc cần phải báo cáo, đề xuất bằng sơ đồ tư duy.
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, nếu Kiểm sát viên nhận thấy vụ án, vụ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cần áp dụng sơ đồ tư duy:

- Thứ nhất, vụ án, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp. Vụ án, việc việc phức tạp được hiểu là những vụ án, vụ việc có nhiều người tham gia tố tụng, diễn biến sự việc phức tạp, nhiều mốc thời gian khác nhau, nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm, nhiều đồng phạm, phạm tội có tổ chức, nhiều vật chứng dễ nhầm lẫn hoặc có những tình tiết phức tạp khác làm cho người nghe khó nắm bắt hoặc dễ bị nhầm lẫn.

- Thứ hai, vụ án, vụ việc có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau giữa Lãnh đạo Viện với Kiểm sát viên hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau mà xét thấy cần thiết phải đề xuất đưa ra họp liên ngành.

Bước 2: Chuẩn bị nội dung báo cáo, đề xuất (cần bám sát nội dung theo biểu mẫu báo cáo đề xuất của Ngành như quy chế 111, quy chế 505).

Bước 3: Tiến hành Scan (số hóa) toàn bộ tài liệu, chứng cứ cần thiết liên quan đến nội dung báo cáo, đề xuất (nên lấy dữ liệu từ việc số hóa hồ sơ).
 
III. Thực hiện vẽ sơ đồ tư duy:

Kiểm tra viên, Kiểm sát viên có thể sử dụng các phần mềm chuyên dụng để xây dựng sơ đồ tư duy tư như: Edraw Mind Map, SimpleMind Desktop, iMindMap hoặc có thể ứng dụng phần mềm văn phòng như Microsoft Word, Powerpoint; thực tiễn tại đơn vị, tác giả sử dụng phần mềm Edraw Mind Map (tải và sử dụng miễn phí).

- Để xây dựng được một sơ đồ tư duy rõ ràng, cụ thể, hiệu quả, có thể tóm gọn toàn bộ nội dung vụ án thì trước hết cần xây dựng bản tóm tắt nội dung vụ án, các vấn đề cần phải chứng minh cũng như hệ thống lại toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của vụ án. Sau đó tiến hành phân thành các nhánh chính bao gồm: (I) Các bị can; (II) bị hại; (III) thời gian, địa điểm phạm tội; (IV) vật chứng trong vụ án; (V) Kê biên tài sản; (VI) trách nhiệm dân sự; (VII) người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; (VIII) những vi phạm của cơ quan điều tra…Tùy từng vụ án cụ thể có thể thêm những nội dung khác
- Tại các nhánh chính, vẽ thêm các nhánh phụ cấp 1. Tại các nhánh phụ cấp 1, tiếp tục vẽ thêm các nhánh phụ cấp 2.

- Tại các nhánh phụ cấp 2 có thể sử dụng Hyperlink để dẫn chiếu đến những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được số hóa để có thể minh họa bằng hình ảnh, khi nhấn vào nhánh có cài đặt Hyperlink thì tài liệu dưới hạng PDF sẽ được mở lên.

- Lưu ý: Tùy từng vụ án, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên có cách hệ thống vụ án và vẽ sơ đồ tư duy khác nhau, ngoài cách thực hiện như trên, có thể thực hiện theo cấu thành tội phạm của từng bị can, theo diễn biến quá trình tố tụng,…. Khi thực hiện, cần phải sử dụng các từ, cụm từ ngắn gọn để diễn đạt các tình tiết trong vụ án, sử dụng hợp lý màu sắc, chèn hình ảnh, văn bản, tài liệu đã được số hóa vào trong sơ đồ tư duy để minh họa khi cần thiết, chẳng hạn: Khi mô tả vật chứng của vụ án (xe mô tô, điện thoại, dao, gậy), Kiểm sát viên có thể chèn các hình ảnh chụp vật chứng, các biên bản thu giữ vật chứng để minh họa, khi cần thì chiếu lên màn hình cho lãnh đạo xem xét trong quá trình báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.

* Ví dụ báo cáo đề xuất giải quyết trong giai đoạn truy tố đối với vụ án Nguyễn Tấn Phát cùng đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự đã thực hiện tại đơn vị.

- Sau khi thực hiện báo cáo đề xuất đầy đủ và đúng quy định theo mẫu số 12/VKSTC được ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cán bộ thực hiện tiến hành vẽ sơ đồ tư duy trên phần mềm Edraw Mind Map.

- Bước 1: Phân thành các nhánh chính bao gồm: (I) Bị can; (II) Bị hại; (III) thời gian, địa điểm phạm tội; (IV) vật chứng trong vụ án; (V) Kê biên tài sản; (VI) trách nhiệm dân sự; (VII) người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; (VIII) Đối tượng Lê Hồng Thanh; (IX) Hành vi khác:
 
 
- Bước 2: Tại các nhánh chính, vẽ thêm các nhánh phụ cấp 1. Ví dụ: Tại nhánh chính các bị can (I) vẽ thêm các nhánh phụ cấp 1 gồm các bị can và ngày tháng năm sinh của bị can, lưu ý: có thể tô đậm các bị can dưới 18 tuổi; tại nhánh chính thời gian địa điểm phạm tội (III) vẽ thêm các nhánh phụ cấp 1 gồm thời gian và địa điểm phạm tội, tương tự thực hiện tiếp tục đối với các nhánh chính khác:

 
 
- Bước 3: Tại các nhánh phụ cấp 1, tiếp tục vẽ thêm các nhánh phụ cấp 2. Ví dụ: Tại nhánh phụ cấp 1 (bị can Nguyễn Tấn Phát) vẽ thêm các nhánh phụ cấp 2 như: Điều, điểm, khoản truy tố; vai trò trong vụ án; hành vi phạm tội; tiền án, tiền sự; tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Biện pháp ngăn chặn. Tương tự thực hiện đối với các nhánh phụ

 
 
cấp 1 khác:
- Tại các nhánh phụ cấp 2 sử dụng Hyperlink để dẫn chiếu đến những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được số hóa để có thể minh họa bằng hình ảnh, khi nhấn vào nhánh có cài đặt Hyperlink thì tài liệu dưới hạng PDF sẽ được mở lên. Ví dụ: Tại nhánh phụ cấp 2 (tiền án, tiền sự của bị can Nguyễn Tấn Phát) sử dụng hyperlink dẫn đến bản án, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (file PDF lấy từ hồ sơ đã số hóa) của bị can; khi nhấn vào phần tiền án thì Bản án của tòa án sẽ được mở ra, khi nhấn vào phần tiền sự thì Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ được mở dưới dạng PDF; thực hiện tương tự đối với những cứ chứng chứng minh tội phạm khác như: Biên bản bắt quả tang, biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh hiện trường, kết luận giám định, kết luận định giá,… Ví dụ:
 


- Sơ đồ tư duy khi hoàn chỉnh:

 
 
* Thực hiện thuyết trinh báo cáo đề xuất
- Trường hợp Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện
Khi báo cáo Lãnh đạo Viện thì tùy từng trường hợp cụ thể, Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên có thể gửi file mềm để Lãnh đạo Viện xem trên máy tính cá nhân trước; chuẩn bị máy tính kết nối với máy chiếu hoặc màn hình rộng để chiếu sơ đồ tư duy vụ án để phục vụ cho hoạt thuyết trình của Kiểm sát viên trước Lãnh đạo Viện. Như vậy sẽ tăng tính hiệu quả của việc báo cáo, đề xuất hơn.

- Trường hợp Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất trong các cuộc họp liên ngành
Do có nhiều đối tượng nghe khác nhau nên khi báo cáo trong trường hợp này, Kiểm tra viên hỗ trợ Kiểm sát viên sử dụng máy chiếu (đã được cấp sẵn cho cơ quan) để trình chiếu nội dung báo cáo, đề xuất. Khi trình chiếu, người báo cáo cần phải kết hợp thuyết trình thêm một số nội dung để làm rõ các vấn đề. Như vậy, người xem sẽ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ nắm bắt được nội dung của báo cáo, đề xuất.

* Sử dụng báo cáo, đề xuất bằng sơ đồ tư duy để phục vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa

Ngoài việc sử dụng sơ đồ tư duy để báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện và phục vụ họp liên ngành thì còn được sử dụng để phục vụ cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Đặc biệt, có thể sử dụng rất hiệu quả trong việc trình chiếu chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa, bởi lẽ nội dung vụ án đã được mô hình hóa bằng sơ đồ tư duy và có sự liên kết với các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa, nếu cần thiết thì Kiểm sát viên có thể công khai tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh ngay tại phiên tòa chỉ bằng một thao tác kích chuột vào đường dẫn hyperlink như đã hướng dẫn phần trên.
 
Lê Tuấn Kiệt – Viện KSND huyện Dương Minh Châu
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây