I. SỰ CẦN THIẾT VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA ỨNG DỤNG CNTT VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thế giới đang trong giai đoạn bắt đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đây là cuộc Cách mạng dựa trên cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ, dẫn đến sự thay đổi trong mô hình kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa nâng cao năng lực. Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển công nghệ thông tin, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tây Ninh nói riêng luôn được Viện trưởng VKSND tối cao và Lãnh đạo VKSND tỉnh Tây Ninh quan tâm chỉ đạo. Quá trình thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, quan trọng vừa góp phần phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện; vừa nâng cao hiệu quả, hiệu suất công tác chuyên môn nghiệp vụ của VKSND hai cấp tỉnh Tây Ninh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của VKSND tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt được yêu cầu tin học hóa các công việc xử lý hằng ngày; chất lượng của đội ngũ các bộ, công chức nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển về công nghệ thông tin; một số đơn vị và cá nhân chưa hình thành thói quen thường xuyên sử dụng, khai thác và trao đổi thông tin trên môi trường mạng; các hệ thống công nghệ thông tin trọng tâm của VKSND tỉnh Tây Ninh tuy đã được củng cố nhiều biện pháp kỹ thuật cơ bản, nhưng do lĩnh vực này liên tục phát triển nhanh nên các biện pháp khắc phục luôn bị lạc hậu so với thực tế.
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND tỉnh Tây Ninh, góp phần phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chuyên đề “Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại VKSND hai cấp tỉnh Tây Ninh; những giải pháp nâng cao chất lượng” để tổng hợp, đánh giá về tình hình tổ chức thực hiện; những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh; đồng thời đề ra các giải pháp nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thời gian tới.
II. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TÂY NINH TRONG 02 NĂM 2020-2021
1. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện ứng dụng Công nghệ thông tin
1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Để thực hiện những mục tiêu, kế hoạch đề ra, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống kết nối mạng Lan từ VKSND tỉnh đến VKSND cấp huyện, góp phần thuận tiện cho việc truyền số liệu thống kê các báo cáo của đơn vị; thực hiện việc phân quyền sử dụng cho từng bộ phận, đảm bảo thông tin được an toàn trong hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị bảo mật. Tính đến nay, tất cả cán bộ, công chức VKSND hai cấp đã được cấp địa chỉ mail của Ngành để trao đổi thông tin, tài liệu qua mạng và hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Việc triển khai các hệ thống này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm thời gian.
Lãnh đạo VKSND tỉnh đã quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hình thức họp, hội nghị truyền hình trực tuyến tại VKSND hai cấp giúp tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức họp; góp phần phổ biến, triển khai công việc đến các đơn vị kịp thời, hiệu quả. Ngoài những kết quả đạt được ở trên VKSND tỉnh còn kết nối với hệ thống camera giám sát các phiên tòa xét xử trực tuyến của Tòa án hai cấp để thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Ngoài ra, VKSND tỉnh còn triển khai thực hiện tốt các phần mềm ứng dụng hiện có theo yêu cầu, chỉ đạo của VKSND tối cao như: Phần mềm thống kê tội phạm, quản lý án hình sự, quản lý án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, quản lý nhân sự, thi đau khen thưởng, quản lý văn bản điều hành… Qua đó, đã tạo lập được một hạ tầng cơ sở về Công nghệ thông tin. Đồng thời, VKSND tỉnh còn được VKSND tối cao trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác như: Máy chiếu, tivi, Amly, máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm, máy scaner …
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại VKSND hai cấp ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của từng đơn vị. Số lượng cán bộ, công chức được trang bị đầy đủ máy tính phục vụ công việc, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Hệ thống mạng nội bộ được triển khai, việc trao đổi dữ liệu giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát cấp huyện luôn thông suốt, kịp thời, nhanh chóng và ổn định.
1.2. Về nhân lực
Văn phòng VKSND tỉnh Tây Ninh hiện tại có 02 đồng chí là Cử nhân công nghệ thông tin kiêm nhiệm công tác Thống kê tội phạm phụ trách việc kiểm tra, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin ở VKSND hai cấp. Mỗi đơn vị VKSND cấp huyện và cấp phòng đều có 01 đồng chí phụ trách việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong năm 2021, VKSND tỉnh đã cử 02 lượt cán bộ tham dự tập huấn chữ ký số, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, an toàn an ninh mạng do VKSND tối cao tổ chức.
Tất cả cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác nghiệp vụ ở tại các đơn vị đều có kiến thức cơ bản về sử dụng mạng máy tính, các phần mềm ứng dụng liên quan; được trang bị đầy đủ máy vi tính có kết nối Internet và được hướng dẫn thực hiện tốt việc tra cứu, cập nhật, khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn; gửi, nhận, duyệt, chỉnh sửa văn bản, sử dụng máy scan quét gửi văn bản đến các đơn vị trong ngành nghiên cứu, sử dụng và trao đổi thông tin qua hệ thống thư điện tử.
1.3. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Tây Ninh đã được đầu tư trang bị khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Cán bộ trong Ngành đều được trang bị đầy đủ máy tính làm việc để phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát Tây Ninh có nhiều thuận lợi.
Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống biểu mẫu thống kê để phù hợp với các quy định mới về các Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Tố tụng dân sự… đã có hiệu lực thi hành nhằm đảm bảo các Chỉ tiêu trong biểu mẫu thống kê đáp ứng được việc cung cấp số liệu đầy đủ phục vụ cho việc xây dựng các loại báo cáo. Bộ phận Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin thường xuyên hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thống kê tại các đơn vị thuộc VKSND hai cấp. Tính đến nay, công tác thống kê đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế sai sót về số liệu; thực hiện kịp thời và chính xác hơn trước, đã phát huy có hiệu quả việc khai thác số liệu thống kê để xây dựng các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và các báo cáo tổng kết nhiều năm của ngành, liên ngành, báo cáo Quốc Hội, Hội đồng nhân dân đạt chất lượng. Bên cạnh đó, về công tác tài chính kế toán được VKSND hai cấp tỉnh Tây Ninh trang bị phần mềm kế toán và đưa vào thực hiện từ nhiều năm nay, từ đó việc quản lý công tác tài chính kế toán ngày càng chặt chẽ.
VKSND tỉnh đã sử dụng hiệu quả phần mềm Vmeet phục vụ cho hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện như: hội nghị giao ban hàng tháng, hội nghị sơ kết và tổng kết năm, hội nghị rút kinh nghiệm và tập huấn các chuyên đề... Qua đó, các đồng chí là Kiểm sát viên, chuyên viên VKSND cấp huyện được tham dự đầy đủ các cuộc Hội nghị do VKSND tối cao và VKSND tỉnh tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tiết kiệm kinh phí, thời gian đi lại so với việc tổ chức Hội nghị tập trung như trước đây.
2. Những tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số
2.1. Về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
Hiện nay, lãnh đạo VKSND tỉnh chỉ tập trung chỉ đạo và đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin ở VKSND hai cấp; chưa xây dựng được kế hoạch, chương trình nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số tại đơn vị, do VKSND tối cao vẫn chưa ban hành Quy hoạch phát triển ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân với lộ trình cụ thể để thống nhất áp dụng trong toàn Ngành.
Vị trí và vai trò của công tác thống kê và công nghệ thông tin tuy đã được coi trọng và quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo nhưng vẫn chưa đúng mức và chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu và tốc độ phát triển ngày càng cao và nhanh của công nghệ thông tin hiện nay. Lãnh đạo một số đơn vị VKSND cấp huyện chưa thực sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát việc nhập án hình sự, dân sự vào phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; cũng như phối hợp với bộ phận Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin nhằm từng bước nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của VKSND tối cao hàng năm.
Qua kiểm tra theo dõi trong 02 năm, tỷ lệ nhập án vào phần mềm quản lý và thống kê án hình sự của VKSND hai cấp chỉ đạt ở mức độ khá so với cả nước, chưa có giai đoạn nào nhập đủ theo số liệu thống kê. Một số đơn vị cấp huyện và Phòng nghiệp vụ tỷ lệ nhập còn tương đối thấp. Đặc biệt việc nhập án vào phần mềm đôi khi còn chưa kịp thời; các lệnh, quyết định chưa nhập đầy đủ, chính xác về trình tự và thông tin theo yêu cầu. Các vụ án nhận từ nơi khác đến chưa được thụ lý ngay cho phù hợp với từng giai đoạn, gây nên tình trạng số lượng án nhập trong phần mềm ít hơn nhiều so với thực tế.
Điển hình: Tỷ lệ nhập của VKSND hai cấp (lấy mốc năm 2020) phần mềm quản lý án hình sự: đạt khoảng 88%, phần mềm quản lý án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính: 90%. Trong đó, các đơn vị có tỷ lệ nhập án thấp nhất gồm: Phòng 2 VKSND tỉnh chỉ nhập 38% và thành phố Tây Ninh chỉ nhập 50% số vụ án hình sự đã xét xử sơ thẩm trong năm 2020, Phòng 9 chỉ nhập 25% và Phòng 10 nhập 35% số vụ mới thụ lý xét xử phúc thẩm.
2.2. Về nhân lực
Đa số cán bộ làm công tác thống kê tội phạm ở hai cấp VKSND tỉnh Tây Ninh đều còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm sát lẫn công tác thống kê, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ thống kê và khả năng ứng dụng về công nghệ thông tin trong công tác thống kê chỉ ở mức tin học văn phòng. Riêng cán bộ làm công tác công nghệ thông tin hiện chỉ có 02 biên chế là cử nhân ở cấp tỉnh. Do đó, khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong hai mảng công tác thống kê và công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn.
2.3. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Hệ thống truyền hình trực tuyến, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo: Mặc dù đã được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống trực tuyến giữa VKSND hai cấp, phối kết hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong việc trực tuyến các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp nhưng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin ở VKSND hai cấp chưa đồng bộ so với sự phát triển của công nghệ hiện đại; các hệ điều hành máy tính, phần mềm diệt vi rút bản quyền đã được đầu tư nhưng do hạn chế kinh phí nên đầu tư số lượng còn ít; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa gắn tin học hóa với xử lý công việc hằng ngày để đổi mới lề lối làm việc như việc...
2.4. Về kinh phí đầu tư
Kinh phí đầu tư hàng năm cho công nghệ thông tin chủ yếu là đầu tư mua sắm theo chuyên đề, dự án, các đơn vị đều phải sử dụng nguồn kinh phí chung của cơ quan, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.
III. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH KIỂM SÁT TÂY NINH TRONG NĂM 2021 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giai đoạn hện nay
Để đạt được kết quả trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trước tiên nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường trách nhiệm kỷ luật công vụ trong tổ chức thực hiện. Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo về công nghệ thông tin, chuyển đổi sổ tại đơn vị mình; kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng,… Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của các cấp trong đơn vị.
Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của toàn Ngành. Xác định rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc của các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.
Báo Báo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao, Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các cách làm hay, sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của các đơn vị để lan tỏa trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách ứng dụng công nghệ thông tin
Đội ngũ cán bộ chuyên trách là điều kiện tiên quyết thể đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được ổn định và phát triển lâu dài. Chính vì vậy, cần phải có phương hướng đào tạo chuyên sâu với đội ngũ cán bộ hiện có. VKSND tối cao cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về công nghệ thông tin hàng năm để cán bộ công nghệ thông tin các địa phương được tiếp cận các chương trình ứng dụng, phần mềm mới, nâng cao trình độ trong việc quản trị hệ thống mạng, hệ thống máy chủ, bảo mật an toàn thông tin.
3. Thực hiện có hiệu quả các phần mềm hiện có và nghiên cứu, xây dựng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ngành
Để đảm bảo an toàn cho việc gửi các tài liệu, văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân, các đơn vị không sử dụng hệ thống thư điện tử miễn phí hiện nay đang có như Gmail, Yahoo mail… mà thay bằng địa chỉ Mail của của Ngành do bộ phận thống kê thuộc Văn phòng VKSND tỉnh tạo.
VKSND cấp huyện cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo chất lượng về âm thanh, hình ảnh, đường truyền; thường xuyên kết nối với hệ thống phiên Tòa trực tuyến với Tòa án hai cấp để Kiểm sát viên góp ý và học hỏi kinh nghiệm lẩn nhau trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Tiếp tục phát huy hiệu quả tối đa của hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên.
Các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và các phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị chủ động trong việc thực hiện nhập án vào phần mềm đầy đủ, kịp thời và chính xác, góp phần nâng cao bộ Chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin của VKSND tỉnh Tây Ninh hàng năm./.
Huỳnh Văn Tú – Nguyễn Thị Xuân Bích (Văn phòng VKSND tỉnh Tây Ninh)