Đẩy mạnh Chuyển đổi số và Ứng dụng Công nghệ thông tin tại Viện kiểm sát nhân huyện Tân Biên

Thứ sáu - 14/02/2025 10:21 79 0
Hiện nay với sự phát triển hết sức mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đột phá là sự ra đời của công nghệ AI đã có những tác động sâu rộng đến phương pháp làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý công việc đến sự kết nối và cộng tác giữa các cá nhân. Với tính ưu việt của mình, công nghệ thông tin (CNTT) giúp chúng ta tự động hóa, tối ưu hóa quy trình công việc, tăng cường khả năng phân tích, đưa ra quyết định từ đó nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm đáng kể thời gian đối với những công việc mang tính chất lặp đi, lặp lại và quản lý hiệu quả công việc của cá nhân, tập thể. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT vào trong các khâu công tác là một trong những biện pháp hết sức hiệu quả phục vụ cho việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thực hiện Quyết định số 359/QĐ-VKSTC, ngày 02/12/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của Ngành kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 266/KH-VKS, ngày 28/4/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh về tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Trong những năm qua, cùng toàn Ngành, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Biên luôn xác định việc ứng dụng CNTT vào trong công tác, đặc biệt là trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành là một trong những nhiều vụ trọng tâm, đột phá của đơn vị. Đến năm 2025, đơn vị tiếp tục xác định nhiệm vụ đột pháĐẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ”.

Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để khuyến khích cán bộ, công chức đổi mới, sáng tạo, đảng viên đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào trong công việc. Bên cạnh việc bám sát thực hiện Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số và số hóa hồ sơ theo Quyết định số 1046/QĐ-VKS, số 1047/QĐ-VKS cùng ngày 15/8/2024 của Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, cán bộ, công chức tại đơn vị đã và đang có nhiều phương pháp ứng dụng CNTT để cải tiến phương pháp làm việc theo hướng ngày càng khoa học, rút ngắn thời gian công tác và nâng cao độ chính xác trong công việc, đặc biệt là trong công tác báo cáo và lập sổ theo dõi việc giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, hình sự. Qua đó, từ năm 2022 đến năm 2024, đơn vị có 04 sáng kiến được công nhận trong lĩnh vực ứng dụng CNTT hiện vẫn đang được ứng dụng tại đơn vị trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ rất hiệu quả.

Một trong 04 sáng kiến đang được đơn vị áp dụng là giải pháp “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị thông qua ứng dụng CNTT vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực dân sự, thi hành án”. Trong giải pháp này, đơn vị xây dựng sổ tay lãnh đạo điện tử bằng Microsoft Excel để phân công công việc; quản lý, phân tích khối lượng, chất lượng công việc của công chức trong bộ phận. Qua đó, tạo cơ sở để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức phục vụ công tác thi đua, khen thưởng và quy hoạch cán bộ đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả. Cụ thể:
 
- Sổ phân công công việc:
 

Trong đó:
  •  Trường “Thời hạn còn” được tự động tính theo thời gian thực (Cập nhật tự động mỗi ngày) dựa trên “Ngày được ấn định”. Bên cạnh đó, hệ thống sẽ được tự động tô màu các ô thời hạn theo thứ tự “Xanh”-“Cam”-“Đỏ” có mức độ đậm nhạt khác nhau tương ứng với thời hạn còn từ nhiều đến ít, giúp lãnh đạo dễ dàng quản lý công việc của bộ phận.
  •  Trường “Đánh giá” với 04 mức độ “Vượt”, “Đạt”, “Trễ hạn”, “Chưa hoàn thành” được thực hiện tự động khi lãnh đạo nhập “Ngày hoàn thành”.
  •  Tên “Công chức phân công” được gán với màu (bên phải) theo tên của công chức giúp lãnh đạo có cái nhìn sinh động, khái quát hơn về số lượng công việc phân công đối với từng công chức.
  •  Ngoài ra, sổ phân công còn được gán tính năng Slicer giúp lãnh đạo phụ trách dễ dàng lọc các việc “Chưa hoàn thành” theo tên của từng công chức được phân công.
- Sổ chỉ tiêu theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện kiểm sát tối cao:
 

Sổ này được soạn dựa trên hệ thống chỉ tiêu được ban hành kèm theo Quyết định số 139 giúp lãnh đạo phụ trách dễ dàng theo dõi số lượng chỉ tiêu của bộ phận. Trong đó trường “Hoàn thành” được đánh giá tự động khi nhập dữ liệu vào trường “Tiến trình”.

- Từ các số liệu được nhập trong sổ phân công công việc và sổ theo dõi chỉ tiêu công tác, lãnh đạo đơn vị có thể phân loại dữ liệu, thống kê, tổng hợp theo từng yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn cụ thể từ đó chuyển hóa thành biểu đồ, sơ đồ để có được những đánh giá trực quan, khoa học về chất lượng công tác của từng công chức và đơn vị. Cụ thể, tiêu chí đánh giá chất lượng công việc tại đơn vị được chuyển hóa sang các biểu đồ cụ thể như sau:

 

Biểu đồ khối lượng, chất lượng công việc của bộ phận
 
Sổ tay lãnh đạo điện tử là công cụ hữu hiệu, giúp lãnh đạo có cái nhìn trực quan, tổng quát và sâu sát hơn khối lượng, tính chất, hiệu quả công việc của tập thể và của từng công chức trong đơn vị. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện các bước khác trong công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, bằng việc thực hiện sổ tay lãnh đạo điện tử qua nhiều năm, lãnh đạo có thể so sánh dữ liệu thống kê qua các năm để có cái nhìn toàn diện, khách quan về sự biến động trong công việc qua từng thời kỳ. Qua đó, đề ra giải pháp để khắc phục các hạn chế, khó khăn; dự đoán, dự báo khối lượng công việc trong từng giai đoạn để có kế hoạch phân công phù hợp, đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Điển hình, số liệu so sánh về khối lượng công việc của năm 2023 và năm 2024 trong lĩnh vực dân sự tại đơn vị được thống kê bằng sơ đồ trong Sổ tay như sau:

 


 
 

So sánh 02 biểu đồ trên cho thấy số lượng công việc của năm 2024 ở hầu hết các tháng đều cao hơn so với năm 2023. Bên cạnh đó, qua số liệu thống kê phản ánh số lượng công việc năm 2023 là 264 việc và của năm 2024 là 372 việc (chưa tính các báo cáo định kỳ như báo cáo tuần, tháng, quý, …), như vậy, số lượng công việc của năm 2024 tăng 40,9% so với năm 2023. Vì vậy, qua việc so sánh biểu đồ công việc trên, lãnh đạo đơn vị đã kịp thời đề ra các phương pháp, kế hoạch công tác phù hợp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao

Kết quả, mặc dù khối lượng công việc tăng và có sự biến động trong tình hình biên chế trong bộ phận dân sự tại đơn vị nhưng chất lượng công việc tại đơn vị vẫn luôn được đảm bảo, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được hoàn thành tốt, không có án bị hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Tính đến ngày 30/6/2024, đơn vị đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt tất cả chỉ tiêu được ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó, lĩnh vực dân sự, thi hành án dân sự vượt 02 chỉ tiêu (Chiếm 04%), đạt 26 chỉ tiêu (chiếm 58%), chưa phát sinh 17 chỉ tiêu (Chiếm 38%).

Khắc phục, hạn chế tâm lý “chê việc dễ, ngại việc khó” của một bộ phận cán bộ, công chức trong đơn vị. Việc phân công công chức vừa đảm bảo tính chuyên môn hóa, vừa theo hướng một người biết nhiều việc, chú trọng công tác kế thừa, tự đào tạo tại chổ nên công tác cán bộ luôn đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương và của Ngành, góp phần thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Biên không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, thúc đẩy chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. 
 
Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Phan Hoàng Nam – VKS Tân Biên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây