Từ đất Bắc xa xôi, do hoàn cảnh đưa đẩy, tôi vào Nam lập nghiệp. May mắn, tôi được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát tỉnh Tây Ninh và được phân công công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Biên-một huyện biên giới xa xôi, giáp với nước bạn Campuchia, điều kiện còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Thế mà thấm thoắt đã hơn 10 năm, giờ nhìn lại ngỡ như mọi việc mới diễn ra ngày hôm qua.
Ngày ấy, tôi là một cô bé vừa rời ghế giảng đường đại học, đã quen với những điều kiện sống và làm việc tại thủ đô nên ấp ủ rất nhiều mơ ước về công việc, về cuộc sống. Tôi vẫn mường tượng rằng cầm tấm bằng cử nhân luật chính quy và một loạt chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, mình sẽ được làm việc trong một môi trường có điều kiện làm việc hiện đại với trụ sở khang trang. Tuy nhiên, ngày đầu tiên đến cơ quan nhận việc, mọi việc khác xa với những gì tôi nghĩ. Trụ sở được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Bàn ghế làm việc, tủ đựng hồ sơ thiếu và hư hỏng khá nhiều. Cả cơ quan chỉ có một máy cơ và một máy vi tính, chiếc máy cơ thì tậm tạch, đánh không khéo là hỏng hết cả trang giấy nên khi có máy vi tính thì không ai đụng đến máy cơ nữa. Tuy nhiên, cũng chỉ có ba người biết cách sử dụng máy tính ở mức độ như chúng tôi vẫn hay đùa là “cò mổ”. Nhà tập thể thì vừa thiếu, vừa tuyềnh toàng, mỗi lần mưa là nước tạt bên trên, nước tràn bên dưới. Cũng may do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vừa có hiệu lực quy định Viện kiểm sát không còn nhiệm vụ quản lý vật chứng như trước nữa nên kho vật chứng của đơn vị rộng khoảng 7-8 m2 được tận dụng để làm phòng ở dành cho tôi vì các phòng khác đã có người ở. Đó cũng là lý do mà cho đến bây giờ, các anh, các chú trong cơ quan vẫn hay đùa rằng tôi là “hàng tồn kho” mặc dù tôi chỉ ở căn phòng này chưa đầy một năm thì đã lập gia đình và được lãnh đạo bố trí cho ở căn phòng khác rộng rãi hơn. Điều kiện khó khăn là thế nhưng bằng tâm huyết với ngành, với nghề và được sự động viên, giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo Viện, tôi đã yên tâm công tác. Anh em trong đơn vị gọi tôi là “The first lady” do tôi là người nữ đầu tiên của đơn vị mặc dù trước đó nghe nói cũng đã có nữ nhưng vì nguyên nhân nào đó nên họ đến rồi đi.
Hình ảnh tập thể VKSND huyện Tân Biên thời điểm Đ/c Hẳng mới vào Ngành
Thời gian trôi, tôi dần quen với môi trường sống và làm việc mới, phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Cơ quan có 09 người thì có 05 người từ miền Bắc vào lập nghiệp, 01 người ở thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, tập thể trở thành nơi 05 người chúng tôi gắn bó, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Lần lượt, 04 đám cưới được tổ chức tại trụ sở đơn vị. Do cuộc sống phụ thuộc vào lương nên dù đã lập gia đình, chúng tôi vẫn chưa thể ra ở riêng. Lãnh đạo Viện đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục ở tập thể. Những đứa trẻ ra đời và dần lớn lên. Chúng quen hơn với công việc của cha mẹ mình, quen cả những chú công an, những cô, chú của Tòa án thường hay sang Viện vì lý do công việc hay vì một lý do nào đó. Ước mơ dần được nhen nhóm: lớn lên con sẽ làm Công an, hay Viện, hoặc Tòa.
Hình ảnh Đ/c Hằng và các đồng nghiệp
Rồi 5-10 năm sau, chúng tôi cũng đã tạo dựng cho riêng mình một căn nhà nho nhỏ. Có người cũng đã chuyển đến làm việc ở đơn vị mới. Lại có những lớp đàn em bắt đầu cuộc sống từ những căn phòng tập thể của đơn vị giống như tôi ngày trước. Cơ quan giờ đã khang trang hơn rất nhiều, nhà tập thể cao ráo, sạch sẽ và hiện đại. Bàn ghế, tủ hồ sơ tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng cũng đã được trang bị đầy đủ hơn, mỗi người một máy tính, mạng nội bộ, mạng Internet băng thông rộng được lắp đặt phục vụ tốt hơn cho công việc. Tuy nhiên, trong ký ức của tôi cũng như của nhiều đồng chí, đồng nghiệp khác, hình ảnh cơ quan với khu nhà tập thể ngày xưa vẫn để lại rất nhiều kỷ niệm. Thỉnh thoảng có dịp gặp lại nhau, có dịp ngồi lại, chúng tôi vẫn thường nhắc đến nơi chúng tôi đã và đang sống, làm việc-Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh-đó thực sự là mái nhà thứ hai của mỗi người xa xứ chúng tôi.
Nguyễn Thị Hằng – Phòng 1 VKSND tỉnh