Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát

Thứ năm - 08/07/2021 15:08 891 0
Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát
Ngành Kiểm sát nhân dân trọng trách rất lớn trong việc bảo vệ công lý và sự bình yên cho đời sống nhân dân. Trọng trách đó đặt trên vai từng cán bộ, kiểm sát viên Ngành Kiểm sát. Ngành Kiểm sát nhân dân có lớn mạnh, có hoàn thành sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó hay không, đều phụ thuộc vào sự nỗ lực của từng cán bộ, kiểm sát viên trong Ngành.

Hiện nay, theo yêu cầu cải cách tư pháp, Viện kiểm sát (VKS) không chỉ đóng vai trò là một bên trong tố tụng hình sự (bên buộc tội) mà còn có trách nhiệm chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, chống làm oan người vô tội, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng. Để đảm bảo yêu cầu này, cán bộ kiểm sát phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, cập nhật các văn bản pháp luật nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát luôn phải chạy đua với thời gian, nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, kiểm sát chặt chẽ để tránh oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Hơn ai hết, cán bộ Kiểm sát phải là người nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát rất lớn, bởi nó liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều mặt của đời sống xã hội. Chính vì thế, trong khi thực hiện nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải thật công minh khi xem xét và quyết định mọi việc, tránh để xảy ra sai sót- chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai. Để làm được việc đó, cán bộ Kiểm sát phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên trì bảo vệ quan điểm có căn cứ của mình trước những vụ việc có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định có hay không sự việc phạm tội xảy ra, xử lý các vụ án hình sự và giải quyết các vụ việc dân sự vừa có lý, vừa có tình.

Ngoài việc không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình làm việc, người cán bộ Kiểm sát còn phải thật gắn bó với nhân dân, có thái độ văn minh, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu người dân, bởi suy cho cùng, trách nhiệm của một cán bộ Kiểm sát chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên: “Từ quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Những thói quen mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp quần chúng, không chịu lắng nghe ý kiến phê bình, kiến nghị hay bỏ mặc không xem xét những yêu cầu, khiếu nại của người dân... là hoàn toàn đi ngược lại với lời dạy của Bác. Cán bộ Kiểm sát phải biết yêu dân, kính dân, có như vậy, nhân dân mới tin yêu cán bộ Kiểm sát, mà chỉ khi được nhân dân quý mến thì người cán bộ Kiểm sát mới được sự ủng hộ của dân. Khi tiếp xúc với dân, cán bộ Kiểm sát phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, giữ bí mật cho người tố cáo theo quy định của pháp luật. Cán bộ Kiểm sát phải có thái độ lịch sự, hoà nhã, tôn trọng, lắng nghe giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến việc giải quyết công việc khi giao tiếp với nhân dân và các cán bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Đến nay đã hơn 60 năm trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (ngày 26/7/1960), lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, là phương châm giáo dục, bồi dưỡng cán bộ Ngành kiểm sát, là kim chỉ nam, chuẩn mực đạo đức để mỗi cán bộ Ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện. Bác dạy: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Công minh, chính trực được hiểu là sự công bằng, minh bạch, chính nghĩa, trung trực. Theo lời Bác dạy, chuẩn mực đạo đức đầu tiên đối với người cán bộ kiểm sát khi thực thi nhiệm vụ là phải giữ được cái tâm cho sáng, cái đức cho trong, minh bạch, ngay thẳng trong công việc để đảm bảo sự công bằng, bảo vệ cái đúng, bảo vệ công lý và chính nghĩa, không vì bất kỳ sự tác động nào mà nao núng, thiên vị dẫn đến giải quyết công việc có điều khuất tất, bất công. Khi thực thi nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải luôn nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuyệt đối không vì định kiến cá nhân hay những tác động tiêu cực khác mà có cái nhìn phiến diện trong xử lý công việc, xa rời hay bóp méo sự thật, không vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà bẻ cong cán cân công lý, làm sai pháp luật. Yêu cầu về tính khách quan không chỉ đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát không được thiên vị, mà còn phải hết sức thận trọng và khiêm tốn, bởi nếu chủ quan, thiếu sự cẩn trọng thì sẽ dẫn đến những nhận định, đánh giá phiến diện, không đúng, gây ra sự nhầm lẫn, sai sót trong công việc.

 Có thể nói đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát là những chuẩn mực xử sự của cán bộ Kiểm sát (Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên và cán bộ Viện kiểm sát các cấp) trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong nội bộ cơ quan, đơn vị và trong quan hệ xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Luật định và Ngành giao cho. Cũng như cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước khác, người cán bộ Kiểm sát muốn có đạo đức nghề nghiệp trong sáng thì phải luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt, phải tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và giữ lối sống trong sạch, lành mạnh, cần cù, giản dị, cũng như tình yêu thương con người và đồng loại, luôn quan tâm, sẻ chia đối với người khác.
Trà Giang - VKSND  Thành phố Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây