Tôi là một Kiểm sát viên thuộc đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành. Cũng như bao đồng nghiệp khác, tôi được đào tạo, bồi dưỡng tại trường Kiểm sát nhân dân. Qua mấy năm rèn luyện và học tập, tôi đã trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức pháp luật. Trải qua hơn 15 năm trong Ngành, kể từ khi còn là người cán bộ cho đến khi được bổ nhiệm Kiểm tra viên, rồi đến Kiểm sát viên, tôi đã tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau về kiểm sát như: án hình sự, án dân sự, tạm giữ, tạm giam… Nhờ đó, tôi có thể hiểu hơn về ngành Kiểm sát nhân dân, về nhiệm vụ của từng lĩnh vực, hơn hết là hiểu về người phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng như tâm lý tội phạm và các quan hệ tranh chấp dân sự.
Tôi xin chia sẻ đôi dòng tâm sự về chặng đường mình đã đi qua và một vài suy nghĩ về chữ “Tâm” của người cán bộ Kiểm sát nhân dân. Còn nhớ, năm 2012, tôi được phân công kiểm sát một vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”. Như mọi người lao động khác, hai anh em Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B sinh sống bằng nghề phụ hồ đến lao động tại xã NĐ, huyện CT, tỉnh TN. Trong đêm tối, khi xảy ra xô xát với một nhóm lao động cùng nông trường, hai anh em A, B đã gây thương tích nhầm cho người khác. Sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, tôi cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định tội phạm. Kết quả, cơ quan bạn chỉ xác định 1 người thực hiện phạm tội.
Khi trở về đơn vị viết đề xuất thụ lý tin báo, căn cứ qua các lời khai của nhân chứng, hiện trường và kiến thức chuyên môn được đào tạo, tôi nhận thấy có đồng phạm. Là người cán bộ kiểm sát, tôi phải chứng minh được đầy đủ các yếu tố tội phạm của người phạm tội, quyết không bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội. Với suy nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo đơn vị trao đổi, phối hợp với cơ quan bạn tiến hành dựng hiện trường với sự tham gia của Công an, Viện kiểm sát và Tòa án. Cuối cùng, chúng tôi xác định được anh B (em ruột anh A) là đồng phạm giúp sức để anh A phạm tội. Khi nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát, tôi nhận thấy cả hai đều là người lao động của một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tạm giam cả hai người là bắt buộc, do án thuộc trường hợp nghiêm trọng. Điều này khiến tôi trăn trở rất nhiều. Qua công tác kiểm sát thực hành quyền công tố, tôi đã đề xuất lãnh đạo đơn vị chỉ áp dụng biện pháp tạm giam 1 người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và được lãnh đạo đồng ý. Trong thời gian nghiên cứu hồ sơ để hoàn thành cáo trạng truy tố, tống đạt, tôi bất ngờ được biết hoàn cảnh anh B rất khó khăn, anh phải lao động vất vả để nuôi cả gia đình gồm 6 thành viên. Ngày triệu tập anh đến đơn vị để tống đạt cũng là ngày vợ anh sinh đứa con thứ 2, thế nhưng tất cả số tiền dành dụm được anh đã dùng hết để trang trải cho chuyến đi đến Viện kiểm sát nên không thể quay về chăm vợ, thăm con. Thấy được nỗi nhọc nhằn của một người lao động chân chính, tôi đã hỗ trợ một phần chi phí để anh về quê cũng như lo cho gia đình. Càng bất ngờ hơn, sau khi bị Tòa án xử với mức án nghiêm khắc, dù đang rất buồn và lo lắng nhưng không vì thế mà anh quên hành động nhỏ của tôi, anh cùng cả gia đình đã đến đơn vị tôi làm việc để bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi. Chính điều đó đã cho tôi thêm động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa, có như thế mới xứng đáng với lòng tin yêu mà người dân đã dành cho bản thân tôi nói riêng và toàn ngành kiểm sát nói chung.
Đây là một trong những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình công tác của tôi. Qua đây, tôi cũng có vài lời muốn nhắn gửi đến quý đồng nghiệp. Khi nghiên cứu một vụ án, các yếu tố chứng minh tội phạm, liên quan đến hành vi phạm tội rất quan trọng. Nhưng thiết nghĩ, người cán bộ kiểm sát, người thực thi pháp luật cũng nên xem xét một cách toàn diện sự việc bằng chữ “tâm” của mình. Người phạm tội phải bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, nhưng sẽ tốt hơn nếu ta dùng chữ “tâm” để cảm hóa người phạm tội, hướng họ đến cái đẹp, cái thiện. Đó mới chính là người cán bộ Kiểm sát nhân dân như lời Bác Hồ dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Thanh Đông - VKSND huyện Châu Thành