Vai trò Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid 19

Thứ tư - 19/01/2022 14:49 1.990 0
Tây Ninh có đường biên giới giáp với Campuchia dài khoảng 240 km với ba cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, nhiều cửa khẩu tiểu ngạch và đường mòn, lối mở, cùng với diện tích rừng lớn dọc tuyến biên giới. Tình hình vi phạm và tội phạm dọc tuyến biên giới diễn biến rất phức tạp, nhất là trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình tội phạm về tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép tăng đột biến về số vụ lẫn quy mô, tính chất, thủ đoạn, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Từ ngày 01/12/2020 đến 30/11/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đối với 32 tin báo liên quan đến xuất, nhập cảnh, đã khởi tố 32 tin (đạt 100%); thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 38 vụ/87 bị can trong đó số án mới thụ lý là 32 vụ/78 bị can, tăng 24 vụ/53 bị can so với cùng kỳ năm 2020; đã giải quyết 22 vụ/62 bị can; kết thúc điều tra, chuyển cấp huyện để truy tố theo thẩm quyền 17 vụ/50 bị can và truy tố theo thẩm quyền 04 vụ/11 bị can, cuối năm không còn tồn án tại Viện kiểm sát, đạt tỷ lệ 100%; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử  06 vụ/19 bị cáo.  

Trên cơ sở kết quả công tác nêu trên, cho thấy tình hình về tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh tăng đột biến so với năm 2020, về số vụ tăng gấp 2,7 lần; về số bị can tăng gấp 2,5 lần. Nguyên nhân tình hình tội phạm tăng là do Tây Ninh giáp với Campuchia có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, nhiều đường mòn, lối mở. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, việc qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia bị siết chặt, có thời điểm phong tỏa biên giới, cấm người dân qua lại giữa hai nước. Do đó, việc qua lại giữa Việt Nam và Campuchia bằng đường chính ngạch (qua cửa khẩu bằng hộ chiếu hoặc bằng chứng minh thư đối với cư dân biên giới) không thực hiện được. Trong khi đó, một bộ phận người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống bên Campuchia do không chịu được áp lực công việc, thu nhập không ổn định, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, chi phí ăn ở hàng ngày hoặc vì lý do sức khỏe, nhớ gia đình nên muốn về nước. Một bộ phận người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không có việc làm, không có thu nhập, được người quen thân giới thiệu hoặc tự lên mạng tìm kiếm đã nghe theo lời chỉ dẫn, dụ dỗ của các đối tượng không quen biết trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram, Twitter… nên có nhu cầu sang Campuchia kiếm việc làm có xu hướng gia tăng. Từ đó, để được sang Campuchia hoặc về Việt Nam, bất chấp việc đóng cửa biên giới, những người này sẵn sàng chi một khoản tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng cho các đối tượng giới thiệu, dẫn đường, đưa đón qua lại biên giới trái phép. Hầu hết chi phí để được xuất cảnh, nhập cảnh trái phép được “báo giá” trọn gói. Người nhập cảnh trả trước toàn bộ hoặc một phần chi phí nhập cảnh, khi về Việt Nam sẽ thanh toán số tiền còn lại. Việc thanh toán có thể trực tiếp bằng tiền mặt hoặc dưới hình thức chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng. Người xuất cảnh thì được các công ty kinh doanh trò chơi game hoặc công ty quản lý Casino bên Campuchia ứng trước toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở từ Việt Nam qua Campuchia, nếu làm việc từ 06 tháng trở lên sẽ không phải hoàn trả chi phí cho công ty, nếu làm việc dưới 06 tháng thì sẽ bị trừ chi phí mà công ty đã ứng trước.

Để đưa đón được người qua lại giữa Việt Nam, Campuchia, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội, lập ra các đường dây giới thiệu, dụ dỗ người có nhu cầu xuất, nhập cảnh với những lời mời chào hấp dẫn về mức lương và điều kiện ăn ở, làm việc. Sau khi người có nhu cầu xuất, nhập cảnh để lại thông tin cá nhân (họ tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại), các đối tượng sẽ sử dụng điện thoại hoặc các ứng dụng mạng xã hội để liên lạc, hướng dẫn thời gian, địa điểm, cách thức đi lại, đưa đón. Thường các đối tượng này sẽ sử dụng rất nhiều “sim rác”, số điện thoại không chính chủ để lập tài khoản mạng xã hội và để liên lạc với người xuất, nhập cảnh. Do đó, khi các nhà mạng tra cứu được thông tin chủ thuê bao số điện thoại và cung cấp cho Cơ quan an ninh điều tra, tiến hành làm việc thì chủ thuê bao này không biết, không liên quan đến các đối tượng và hành vi tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, sau khi liên lạc thì các đối tượng xóa số điện thoại, xóa nhật ký cuộc gọi, xóa dữ liệu tin nhắn nên phải tiến hành trưng cầu giám định phục hồi dữ liệu để khai thác các thông tin làm rõ hành vi phạm tội của bị can và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan. Hoạt động này cần rất nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ điều tra.

Việc đưa đón người được phân công vai trò cụ thể giữa các đối tượng, chia cắt thành các công đoạn, mỗi người thực hiện một phần việc khác nhau: từ giới thiệu, dụ dỗ đến liên lạc đưa đón, hướng dẫn, chở đi test Covid, sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở; người thì phụ trách trong nội địa, người phụ trách ở khu vực biên giới; người nhận tiền, người chuyển tiền. Những đối tượng này có thể là người ở trong nước hoặc có thể là người ở Campuchia. Giữa những người này lại hầu hết không quen biết nhau, chỉ liên lạc qua mạng xã hội, hoặc qua điện thoại với những ký hiệu, ám hiệu riêng, với sự sắp xếp, móc nối tinh vi nên khi lực lượng chức năng phát hiện thì chỉ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được số ít các đối tượng thuộc đường dây này.

Thời gian đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép hầu hết được các đối tượng thực hiện vào đêm khuya, đưa đón bằng các phương tiện như xe máy, ô tô, đến khu vực biên giới thì được các đối tượng khác tiếp nhận và dẫn bộ qua đường rừng, đường mòn hoặc đi bằng xuồng, ghe qua sông Vàm Cỏ, ở nơi vắng người để tránh bị người dân phát hiện và tránh sự kiểm soát, phát hiện của lực lượng chức năng. Có vụ án khi đối tượng đã đưa được người qua Campuchia trót lọt thì lực lượng chức năng Việt Nam mới phát hiện để phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ, trao trả cho Đồn Biên phòng của Việt Nam xử lý theo quy định (Vụ Bùi Văn Tuấn cùng đồng phạm-Điều 348 BLHS đưa 06 người Việt Nam xuất cảnh trái phép); có vụ án khi đưa người xuất cảnh trái phép thì không phát hiện được, đến khi đưa chính người này nhập cảnh trái phép thì mới phát hiện (Vụ Phạm Văn Cường-Điều 348 BLHS) và còn nhiều vụ án bị can khai nhận trước đó đã nhiều lần đưa nhiều người qua Campuchia trái phép nhưng không bị phát hiện, ngoài lời khai của bị can thì không có chứng cứ khác chứng minh nên không thể xử lý bị can phạm tội nhiều lần hoặc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng đối với bị can.

Số lượng bị can và số lượng người xuất, nhập cảnh trái phép tăng đột biến, có những vụ số lượng người rất đông (điển hình như vụ Phạm Văn Lập cùng 05 đồng phạm đưa 27 xuất cảnh trái phép, vụ Dương Tuấn Phong cùng 02 đồng phạm đưa 32 người xuất cảnh trái phép). Những người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh có thể là người có hộ khẩu, sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có khi là người có hộ khẩu, sinh sống trên địa bàn tỉnh khác ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam hoặc là người nước ngoài. Khi bắt quả tang thì lực lượng chức năng như Đồn Biên phòng, Hải quan cửa khẩu chỉ làm những thao tác kiểm tra, xác minh, lấy lời khai sơ bộ ban đầu, xử phạt những người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép rồi cho họ về nên khi chuyển đến Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh để tiến hành điều tra thì phải làm cụ thể hơn, trong đó có việc xác minh nhân thân, lý lịch nhất là tra cứu thông tin về tiền án, tiền sự và làm việc lại với những người này để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án. Những công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, đặc biệt là trong năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cơ quan An ninh điều tra không trực tiếp thực hiện được các hoạt động điều tra nên phải ủy thác điều tra. Thời gian ủy thác điều tra nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác của Cơ quan nhận ủy thác điều tra và tình hình dịch bệnh nơi thực hiện hoạt động ủy thác điều tra.  

Việc thanh toán chi phí xuất nhập cảnh, tiền công đưa người xuất nhập cảnh có khi được thực hiện thông qua chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Do đó, Cơ quan an ninh điều tra phải yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về chủ tài khoản, thông tin liên quan đến giao dịch của tài khoản. Có những tài khoản có những giao dịch với số tiền lớn, thời gian giao dịch và nội dung giao dịch bất thường. Do đó, Kiểm sát viên phải tiếp tục yêu cầu điều tra làm rõ chủ tài khoản là ai và những giao dịch của tài khoản có liên quan đến việc tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hay không, nếu có thì liên quan như thế nào để đảm bảo mọi vấn đề của vụ án phải được chứng minh theo quy định pháp luật.

Trước tình hình tội phạm trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ và hành vi phạm tội ngày càng tinh vi hơn. Với khối lượng công việc ngày càng tăng, cán bộ làm việc trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid tại địa phương diễn biến phức tạp, có thời điểm chỉ làm 50%  nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực; phối hợp với các Cơ quan điều tra, Bộ đội Biên phòng ngay khi vụ việc được phát hiện; tham gia khám nghiệm hiện trường, tham gia hỏi cung, nhận dạng, đối chất; thường xuyên kiểm sát tiến độ điều tra, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra khi phát sinh các tình tiết mới của vụ án. ⅔ số lượng các vụ án mới thụ lý kiểm sát điều tra (21/32 vụ) là do Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện, Đồn Biên phòng khởi tố chuyển đến Cơ quan an ninh điều tra tỉnh để điều tra theo thẩm quyền. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra sau đó chuyển Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện để truy tố theo thẩm quyền. Đồng thời trực tiếp truy tố, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xảy ra oan sai, không có án trả hồ sơ điều tra bổ sung, không có án bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại. Trong năm, đã ban hành 01 kiến nghị đối với Biên phòng tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập cảnh, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid 19, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt là trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh.
 
Nguyễn Thị Hằng - Phòng 1-Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây