Năm 2021, VKSND tỉnh Tây Ninh xác định nhiệm vụ đột phá là “Công tác cán bộ và công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự”, thể hiện sự quyết tâm cao độ của tập thể Lãnh đạo Viện trong công tác chỉ đạo điều hành đề ra nhiều biện pháp, giải pháp nhằm khắc phục những mặt còn tồn tại hạn chế, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đột phá là góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo và “tự đào tạo” tại chỗ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức và áp dụng pháp luật cho đội ngũ công chức là một trong những giải pháp căn cơ hữu hiệu nhất để thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ đột phá trên. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác đào tạo theo kế hoạch của VKSND tối cao và VKSND tỉnh khó tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, công tác “tự đào tạo, tự bồi dưỡng” tại mỗi đơn vị cấp phòng, cấp huyện hơn lúc nào hết cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa để kịp thời nâng chất đội ngũ công chức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới.
Phòng 10 là đơn vị nghiệp vụ được thành lập muộn so với các đơn vị nghiệp vụ khác với nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Biên chế được bố trí về số lượng là 04 công chức hiện nay có 01 Phó Trưởng phòng phụ trách, 02 Kiểm sát viên trung cấp, 01 Kiểm sát viên sơ cấp, tuy nhiên nguồn nhân lực này không ổn định mà luôn biến động, trong 02 năm đơn vị có 03 lần điều động đối với lãnh đạo Phòng, đối với KSV có thâm niên lâu nhất là 03 năm, do đó kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chưa nhiều. Với đặc thù, công tác kiểm sát giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, lao động là một lĩnh vực khó, mối quan hệ giao kết kinh tế rất tinh vi các chủ thể đều là những người có trình độ cao, thậm chí có tư vấn về pháp luật nên nếu có vi phạm sẽ khó phát hiện, cùng với đó là hệ thống pháp luật chuyên ngành rất đa dạng và phức tạp, nhiều khía cạnh còn không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo nên việc áp dụng giải quyết gặp nhiều vướng mắc nhưng lại có tác động lớn nên nền kinh tế. Riêng đối với các vụ án hành chính hầu hết đều liên quan đến lĩnh vực pháp luật đất đai, các khiếu kiện đa số kéo dài nhiều năm, việc giải quyết các khiếu kiện hành chính ngoài việc giải quyết mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân và cơ quan nhà nước nó còn ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị tại địa phương, rất dễ dẫn đến “điểm nóng” chính trị nếu việc giải quyết các khiếu kiện không đúng quy định. Mặt khác, Luật đất đai là văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi và số lượng các văn bản hướng dẫn nhiều nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, để có thể nắm vững, áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết đối với từng vụ án, đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải nghiên cứu nắm vững rất nhiều văn bản pháp luật cũng như quy chế nghiệp vụ. Đây là thách thức lớn cho đơn vị trong phân công nhiệm vụ, cũng như đối với từng cán bộ, đặt yêu cầu phải luôn chú trọng đến công tác đào tạo và “tự đào tạo”, trong đó “tự đào tạo” là chính
Nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ trước tình hình mới, khắc phục những tồn tại hạn chế của những năm trước, phấn đấu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch công tác kiểm sát và nhiệm vụ đột phá của VKSND hai cấp tỉnh Tây Ninh năm 2021 gắn với thực hiện phương châm “Đoàn kết- đổi mới- trách nhiệm, kỷ cương- thực chất, hiệu quả” có trọng tâm, trọng điểm hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, Phòng 10 xác định “chủ động” trong công tác “tự đào tạo” tại đơn vị là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tập trung thực hiện các yếu tố “đổi mới”, “trách nhiệm”, “đoàn kết”, và “hiệu quả”. Cụ thể:
Thứ nhất, “Đổi mới” trong công tác chỉ đạo quản lý điều hành, quan tâm sắp xếp phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của từng cá nhân đảm bảo ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, các cá nhân trong đơn vị vẫn có thời gian để tự học, tự nghiên cứu. Nghiêm túc triển khai và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị chuyên đề của VKSND tối cao, văn bản hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm, quy chế nghiệp vụ của Ngành, đảm bảo ít nhất 02 giờ/tuần, mở tập tổng hợp văn bản quy phạm pháp luật, thông báo rút kinh nghiệm cả bản giấy và file mềm, để dễ dàng cho việc tra cứu, các tập tài liệu được chia theo từng lĩnh vực cụ thể; tổ chức nghiên cứu các bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm của Tòa án cấp cao, Tòa án tối cao quyết định hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc có nội dung hủy quyết định hành chính của cơ quan nhà nước trên Cổng thông tin điện tử Tòa án tối cao để kịp thời rút kinh nghiệm. Thông qua, công tác nghiên cứu đơn vị xây dựng những bảng “mô phỏng quy trình thủ tục hành chính” bảng “Tổng hợp quy trình, kỹ năng nghiên cứu” từng loại vụ việc theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu có trích dẫn cơ sở pháp lý, vừa thể hiện kết quả nghiên cứu giúp cán bộ kiểm sát có nền tảng kiến thức pháp luật vững chắc vừa phục vụ công tác nghiên cứu hồ sơ vụ án cụ thể. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của từng công chức tại đơn vị, theo dõi chỉ tiêu nghiệp vụ ở cả hai cấp để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Viện chỉ đạo kịp thời.
Tập thể Phòng họp triển khai văn bản định kỳ
Thứ hai, đề cao tinh thần “Trách nhiệm” của cá nhân ở từng vị trí việc làm cụ thể, yêu cầu mỗi cá nhân phải có tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu, học tập, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, nó không chỉ hướng đến mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thiện năng lực hướng dẫn nghiệp vụ mà còn hướng đến đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực kế thừa tại đơn vị. Theo đó, cá nhân
- Lãnh đạo phụ trách phòng đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, vừa thể hiện được sự gương mẫu của người lãnh đạo đơn vị trong hoạt động tự nghiên cứu, tự học vừa là “điểm tựa” cho cán bộ công chức trong đơn vị mỗi khi gặp khó khăn vướng mắc trong nghiên cứu giải quyết vụ án. Đối với Kiểm sát viên, ngoài đề cao ý thức trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, còn là trách nhiệm trong việc tự tìm tòi học hỏi nâng cao kiến thức cả pháp luật và ứng dụng tin học, tích lũy kinh nghiệm thông qua các phương pháp cụ thể phù hợp với từng cá nhân, theo phương châm “Mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn”. Trong các buổi sinh hoạt tại đơn vị, các Kiểm sát viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa để học hỏi lẫn nhau, Kiểm sát viên có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn Kiểm sát viên mới được điều động, bổ nhiệm về các quy trình, kỹ năng để có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhận diện đúng các vi phạm của Tòa án khi kiểm sát bản án quyết định của Tòa án, đảm bảo tính hiệu quả chất lượng và đúng căn cứ pháp luật.
Kiểm sát viên báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án KDTM
Thứ ba, tạo sự “Đoàn kết” thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị. Sự đoàn kết xuất phát từ việc phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng, không để xảy ra tình trạng một người phải đảm đương quá nhiều công việc cùng lúc. Trong trường hợp cần thiết, Lãnh đạo Phòng trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án trình lãnh đạo Viện duyệt án, tham gia phiên tòa để kịp thời chia sẻ áp lực công việc đối với KSV tại Phòng. Khi phát sinh những vướng mắc, khó khăn, đơn vị chủ động phát huy trí tuệ tập thể, huy động sáng kiến của từng cá nhân vào tham gia giải quyết tháo gỡ “điểm khó” để tìm phương pháp tối ưu nhất. Trong tổ chức và bình xét phong trào thi đua luôn đảm bảo công bằng và thực chất, động viên khích lệ tinh thần, tạo sự phấn khởi, hăng say công tác, không để xảy ra tình trạng “bằng mặt, không bằng lòng”, dẫn đến thái độ bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thứ tư, “Hiệu quả” thông qua việc điều hành công tác của phòng được diễn ra trôi chảy, đồng đều, không bị động, năng suất lao động được nâng cao ở cả số lượng và chất lượng “sản phẩm đầu ra” trong công tác của từng cá nhân nói riêng và của tập thể nói chung. Tạo sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, khơi dậy lòng yêu nghề, tâm huyết với Ngành và tinh thần “khát khao được cống hiến”, sự say mê trong nghiên cứu và học tập, trở thành nền nếp, thói quen của từng cán bộ.
Chủ động tìm nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu
Từ sự quan tâm của tập thể Lãnh đạo Viện đã tạo điều kiện về mọi mặt, nhất là về nguồn nhân lực, đó là nguồn động viên rất lớn để tập thể Phòng 10 vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và trên cơ sở các giải pháp cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, dần khắc phục những tồn tại hạn chế của năm 2020. Trong công tác chuyên môn: Đơn vị hoàn thành chỉ tiêu nghiệp vụ theo Nghị quyết 96/QH và Quyết định số 139/QĐ của VKSND tối cao có những chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2020 cụ thể: Kiểm sát chặt chẽ 100% việc thụ lý và giải quyết của Tòa án, ban hành 14 văn bản yêu cầu Tòa án thu thập, bổ sung chứng cứ đối với các vụ án hành chính, đã được Tòa án chấp nhận và tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát; Kiểm sát viên tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp thuộc trường hợp VKS phải tham gia theo luật định, trong đó tổ chức 02 phiên tòa rút kinh nghiệm, không có án hủy có trách nhiệm của VKS; Thông qua công tác kiểm sát bản án quyết định của Tòa án cấp huyện đã ban hành 02 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ đối VKS cấp huyện; Trong công tác kháng nghị: Đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành 01 kháng nghị phúc thẩm ngang cấp đối với vụ án hành, 01 kháng nghị phúc thẩm trên cấp đối với án KDTM, tăng so với 6 tháng đầu năm 2020. Kết quả phong trào thi đua do VKS tối cao và VKS tỉnh phát động, đơn vị được Viện trưởng VKSND tỉnh tặng giấy khen cho tập thể, 01 cá nhân và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tặng bằng khen cho 01 cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở” năm 2021.
Cả cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về ý chí và tinh thần tự học, theo người “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Học, học nữa, học mãi”, từ đó mỗi cán bộ kiểm sát Phòng 10 luôn phấu đấu không ngừng học tập, không ngừng rèn luyện, tự đổi mới mình để xứng tầm với vị thế của Ngành đã được Đảng và nhân dân giao phó./.
Văn Thị Diệu Linh – Phòng 10 VKSND tỉnh