Ngày 15/8/2024, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với vụ án lao động “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”, giữa nguyên đơn chị Huỳnh Thanh Thúy và bị đơn Công ty TNHH POWER VIỆT NAM (gọi tắt là Công ty) đã tuyên chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh, sửa bản án sơ thẩm của TAND thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo nội dung vụ án, chị Huỳnh Thanh Thúy có ký kết hợp đồng lao động với Công ty theo hợp đồng lao động số HĐLĐ-102392 ngày 25/12/2022; thời hạn hợp đồng là 01 năm từ ngày 25/12/2022 đến ngày 24/12/2023. Sau khi ký kết hợp đồng lao động, chị Thúy giữ chức vụ Giám đốc nhân sự, mức lương hàng tháng là 32.000.000 đồng thể hiện bằng bảng duyệt lương công nhân viên ngày 25/10/2022. Lúc 10 giờ ngày 03/5/2023, ông Wang Hong Bo- Phó Tổng giám đốc thông báo trực tiếp bằng lời nói là chấm dứt hợp đồng lao động với chị, với lý do: Bị nhà cung ứng khiếu nại nhận tiền nhà cung ứng. Đến 10 giờ 20 phút, chị Thúy nhận được Thông báo số NPP102392/TB-HĐLĐ ngày 03/5/2023 “về việc chấm dứt hợp đồng lao động” và được yêu cầu bàn giao lại công việc cho các bộ phận liên quan. Ông Wang Hong Bo yêu cầu chị Huỳnh Thanh Thúy ký vào đơn nghỉ việc, nhưng chị Thúy không ký. Công ty đã trả lương cho chị Thúy đến hết tháng 4/2023 cũng đã chốt sổ BHXH cho chị Thúy và hoàn trả sổ xong, chị Thúy chưa nhận được bất cứ quyết định sa thải hoặc quyết định cho thôi việc của Công ty.
Chị Thúy khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng giải quyết bồi thường tiền lương về việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 08 tháng (từ tháng 5 đến tháng 12/2023) x 32.000.000 đồng/ tháng = 256.000.000 đồng; Bồi thường vi phạm thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là 30 ngày là 32.000.000 đồng/26 ngày x 30 ngày = 36.923.000 đồng; Bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 02 tháng tiền lương x 32.000.000 đồng = 64.000.000 đồng.Tổng các khoản là 356.923.000 đồng và yêu cầu Công ty đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho chị Thúy từ ngày 03/5/2023 đến ngày 24/12/2023.
Bản án số 01/2024/LĐ-ST ngày 19/6/2024 của Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã quyết định: Căn cứ Điều 39, 41, 46 Bộ luật lao động năm 2019; Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Điều 12 và 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Toà án, tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Huỳnh Thanh Thúy về “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” đối với Công ty TNHH NPP POWER (VIỆT NAM). Buộc Công ty TNHH NPP POWER (VIỆT NAM) phải có nghĩa vụ bồi thường cho chị Huỳnh Thanh Thúy số tiền 175.388.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu của chị Huỳnh Thanh Thúy yêu cầu Công ty TNHH NPP POWER (VIỆT NAM) bồi thường số tiền 181.535.000 đồng. Ngoài ra Bản án còn tuyên về án phí và lãi chậm thi hành án, quyền kháng cáo.
Qua kiểm sát, nhận thấy bản án sơ thẩm có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị Thúy, cụ thể: Bản án sơ thẩm áp dụng mức lương đóng bảo hiểm xã hội của chị Thúy là 14.000.000 đồng/tháng để tính các khoản bồi thường là không đúng quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
Theo quy định Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định:
“10. Bổ sung Điều 26a sau Điều 26 như sau:
“Điều 26a. Tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định tại Khoản 5 Điều 42 hoặc Khoản 2 Điều 43 của Bộ luật lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.”
Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động quy định: :“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Đồng thời, bản án sơ thẩm nhận định: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội … người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời gian không được làm việc. Tuy nhiên do hợp đồng lao động của chị Thúy đã hết thời hạn và Công ty đã chốt sổ bảo hiểm, chị Thúy cũng đã nhận lại sổ bảo hiểm nên cần buộc Công ty trả số tiền trên cho chị Thúy tính từ ngày nghỉ việc (03-5-2023) đến thời gian hết hạn hợp đồng… =24.080.000 đồng”, nhận định và tuyên buộc Công ty trả trực tiếp cho chị Thúy là không có căn cứ, không đúng quy định pháp luật vì chị Thúy khởi kiện yêu cầu Công ty có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị Thúy nhưng bản án sơ thẩm lại tuyên buộc Công ty trả trực tiếp cho chị Thúy là không đúng phạm vi đơn khởi kiện, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Mặt khác, căn cứ Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội; điểm 2.4 khoản 2 Điều 2; Điều 38 của Quy trình thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Khoản 1 Điều 41 của Bộ luật Lao động, Công ty phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày chị Thúy không được làm việc. Do đó, trong trường hợp này cần phải buộc Công ty nhận lại sổ Bảo hiểm xã hội từ chị Thúy và thực hiện nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm từ ngày 03/5/2023 đến tháng 12/2023, chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả sổ bảo hiểm xã hội cho chị Thúy theo đúng quy định của pháp luật.
Vì những vi phạm nêu trên của bản án sơ thẩm, VKSND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐ-VKS-LĐ ngày 16/7/2024, yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng, buộc Công ty phải bồi thường thiệt hại cho chị Thúy với mức lương là 32.000.000 đồng/tháng và đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị Thúy trong thời gian không được làm việc do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với số tiền như chị Thuý đã yêu cầu.
Kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị, tuyên sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng như quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh./.
Văn Thị Diệu Linh – Phòng 10- VKSND tỉnh Tây Ninh