Ngày 17/4/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC (gọi tắt là Quy chế 111) áp dụng thống nhất trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh đã nghiêm túc thực hiện các nội dung trong quy chế.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ kiểm sát án hình sự các vụ án liên quan đến tội phạm về ma tuý của Viện kiểm sát nhân dân huyện, Phòng 1 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh nhận thấy việc thực hiện Quy chế 111 còn có một số vi phạm, cụ thể như sau:
1. Vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm giữ.
Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định gia hạn tạm giữ lần 1 và lần 2, đồng thời đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn.
Viện kiểm sát nhân dân huyện đã phê chuẩn các văn bản nêu trên nhưng trong “Nhật ký kiểm sát điều tra”, Kiểm sát viên không có báo cáo đề xuất theo quy định tại Điều 15, 16 Quy chế 111.
Vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm giam; quyết định áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn truy tố.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện ra lệnh tạm giam đối với các bị can và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn. Viện kiểm sát nhân dân huyện đã phê chuẩn các lệnh tạm giam nhưng trong “Nhật ký kiểm sát điều tra”, Kiểm sát viên không có báo cáo đề xuất theo quy định tại Điều 17 Quy chế 111.
Ngoài ra, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát nhân dân huyện đã ra lệnh tạm giam để truy tố, quyết định gia hạn thời hạn tạm giam để truy tố đối với bị can nhưng Kiểm sát viên không có báo cáo đề xuất theo quy định tại Điều 68 Quy chế 111.
2. Vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố.
Vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra.
Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên không có báo cáo đề xuất trình lãnh đạo Viện quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can theo quy định tại Điều 46 Quy chế 111 nhưng lãnh đạo vẫn ký các quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.
Kiểm sát viên không thực hiện việc báo cáo thường kỳ ít nhất 01 tháng/lần (Báo cáo tiến độ điều tra vụ án) theo quy định tại Điều 81 Quy chế 111.
Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên không lập biên bản thống nhất nội dung đánh giá chứng cứ, tài liệu cùng Điều tra viên theo quy định tại Điều 63 Quy chế 111; không báo cáo kết thúc điều tra vụ án theo Thông báo Kết luận Hội nghị “Quán triệt các quy chế nghiệp vụ và rút kinh nghiệm trong công tác” số 227/TB-VKS ngày 10/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố giai đoạn truy tố.
Khi thực hành quyền công tố giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát nhân dân huyện ban hành quyết định gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng Kiểm sát viên không thực hiện việc báo cáo, đề xuất theo quy định tại Điều 70 Quy chế 111.
Báo cáo đề xuất giải quyết trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên chưa báo cáo đầy đủ nội dung theo mẫu số 12 quy định tại phụ lục B ban hành kèm theo Quy chế 111: Không nêu những đặc điểm chính về nhân thân bị can tại phần lý lịch bị can; trong phần “Nhận xét, đề xuất của KSV” không nêu những đối tượng khác có liên quan trong vụ án nhưng không xem xét trách nhiệm hình sự, lý do không xem xét trách nhiệm hình sự (Ví dụ: Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
3. Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Qua kiểm tra cáo trạng và hồ sơ kiểm sát do Viện kiểm sát nhân dân huyện chuyển đến, Phòng 1 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh phát hiện 02 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự từ 02 lần trở lên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện không chuyển hồ sơ cho Công an huyện để xử phạt hành chính đối với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy lần thứ nhất, dẫn đến khi các đối tượng tiếp tục có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự lần thứ hai thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, qua đó có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Lẽ ra khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện chuyển hồ sơ cho Công an huyện để xử phạt hành chính đối với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy lần thứ nhất, làm cơ sở xử lý hình sự khi các đối tượng tiếp tục vi phạm.
Việc không kiên quyết, xử lý triệt để trong công tác đấu tranh các tội phạm về ma túy (đặc biệt là tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”) dẫn đến chưa phát huy được tính răn đe, phòng ngừa để làm giảm “nguồn cầu” về ma túy trong xã hội.
Với những vi phạm nêu trên, ngày 10/01/2025, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 68/TB-VKS để Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố các vụ án liên quan đến tội phạm về ma tuý trong năm 2025. Thông báo rút kinh nghiệm nêu:
Khi thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn (kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; việc xem xét, quyết định tạm giam đối với bị can trong giai đoạn truy tố), Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, có báo cáo đề xuất bằng văn bản để trình lãnh đạo xem xét, quyết định theo quy định của Quy chế 111.
Khi thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, Kiểm sát viên phải nghiên cứu chặt chẽ, toàn diện đối vụ án và thực hiện đúng các quy định của Quy chế 111. Đồng thời, có báo cáo đề xuất bằng văn bản để trình lãnh đạo xem xét, quyết định theo quy định của Quy chế.
Lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong công tác kiểm tra việc thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố của Kiểm sát viên nhằm tránh sai sót tương tự xảy ra.
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 23/KL-LNTPTW ngày 21/11/2024 của Liên ngành Tư pháp Trung ương “Trong điều tra, truy tố, xét xử đối với một số tội phạm về ma túy”, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng đã yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm về ma tuý cần lưu ý:
Kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển ngay hồ sơ cùng các đối tượng qua test nhanh dương tính với chất ma tuý (hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý) đến Công an huyện cùng cấp để thực hiện thủ tục xác định tình trạng nghiện ma tuý. Kiểm sát viên phải theo dõi các trường hợp đã xác định được các đối tượng nghiện ma tuý để yêu cầu Công an huyện cùng cấp thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm về ma tuý, Kiểm sát viên cần lưu ý đến các đối tượng có hành vi mua ma tuý nhiều lần để sử dụng (đây là các đối tượng nghiện ma túy), thực hiện việc lập danh sách để yêu cầu Công an cùng cấp theo dõi, kiểm tra, thực hiện thủ tục xác định tình trạng nghiện ma tuý và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính nhằm làm giảm “nguồn cầu” về ma túy trong xã hội.
Để thực hiện tốt những nội dung trên, trong thời gian tới cần phải tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của từng công chức, Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án về ma túy.
Trần Minh Tân - Phòng 1 VKSND tỉnh