Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị “Rút kinh nghiệm các vụ án hình sự bị cấp phúc thẩm hủy, sửa bản án sơ thẩm có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong 02 năm 2023-2024”.

Thứ năm - 08/05/2025 16:26 24 0
Chiền ngày 06/5/2025 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị “Rút kinh nghiệm các vụ án hình sự bị cấp phúc thẩm hủy, sửa bản án sơ thẩm có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong 02 năm 2023-2024.

Tham dự Hội nghị có Đồng chí Ngô Văn Hối - Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, chủ trì hội nghị. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, Lãnh đạo và Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên các Phòng 1, 2, 3, 7; lãnh đạo Văn Phòng và Thanh tra - Khiếu tố; các đồng chí là Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên làm công tác hình sự của Viện kiểm sát cấp huyện.

Đại biểu dự hội nghị
 
Sau khi theo dõi Video clip báo cáo chuyên đề do Phòng 7 VKSND tỉnh thực hiện; các đơn vị đã trình bày tham luận và thảo luận những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Sau khi phân tích các vụ án bị cấp phúc thẩm hủy, sửa có trách nhiệm, các đơn vị đã nhận thấy được hạn chế còn tồn tại và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, kiến nghị để Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
 
Đơn vị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tây Ninh phát biểu tham luận tại hội nghị
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Ngô Văn Hối – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo: Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn nữa chuyên đề này để hạn chế thấp nhất án hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thời gian tới. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, mỗi vụ án có tình tiết và nhân thân của bị cáo khác nhau. Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ và xem xét đầy đủ các vấn đề như: hành vi, mức độ, hậu quả, nhân thân, lý lịch của bị cáo để đề nghị mức án phù hợp quy định pháp luật và tương xứng hành vi phạm tội. Tránh trường hợp không xem xét toàn diện vụ án, đề nghị thiếu căn cứ dẫn đến Hội đồng xét xử tuyên khác quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát nhưng không thể kháng nghị. Kiểm sát viên, cán bộ làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng tốt yêu cầu của cải cách tư pháp trong tình hình mới. Tích cực nghiên cứu, học tập, đề cao tinh thần tự học, tự đào tạo để nâng cao tư duy, nắm chắc quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, về tố tụng hình sự, các luật có liên quan; các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật; các án lệ do Toà án nhân dân tối cao ban hành; các Chỉ thị, Quy chế, Hướng dẫn của ngành; các văn bản giải đáp khó khăn, vướng mắc; các thông báo rút kinh nghiệm….Khi thực hiện nhiệm vụ, phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá toàn diện hồ sơ vụ án. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, khi tham gia kiểm sát xét xử phải tập trung cao độ để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Các vụ án phức tạp, nhiều bị cáo, lãnh đạo đơn vị cần phân công từ 02 Kiểm sát viên trở lên tham gia xét xử để đảm bảo chất lượng. Sau xét xử, phải kiểm sát chặt chẽ biên bản phiên tòa có đảm bảo đúng diễn biến tại phiên tòa không, kiểm sát chặt chẽ bản án, kịp thời phát hiện các vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị khắc phục vi phạm, cố gắng hạn chế tối đa án hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác nghiên cứu văn bản pháp luật, nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát xét xử. Trong thực thi nhiệm vụ, cán bộ, Kiểm sát viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ; luôn thận trọng, không được chủ quan; luôn đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật, tinh thần thượng tôn pháp luật, khiêm tốn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò, vị thế của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng chống tội phạm, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành. Tự bản thân mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải rèn luyện 05 đức tính theo lời Bác Hồ dạy là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Thực hiện tốt công tác phối hợp với Tòa án và các cơ quan hữu quan. Đối với những vi phạm không lớn thì cần thiết trao đổi, phối hợp với Tòa án trong khuôn khổ pháp luật để đảm bảo việc ban hành Bản án, Quyết định giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo bằng văn bản về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh để lãnh đạo Viện chỉ đạo, giải quyết kịp thời.


Nguyễn Thị Bích Du  – Phòng 7 VKSND tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây