Vừa qua, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh” giữa Công ty Đô Thị Tây Ninh (Nguyên đơn) và Công ty An Hưng Thành (Bị đơn) do có kháng cáo của Nguyên đơn và kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh.
Theo nội dung vụ án, Ngày 19/01/2018 Công ty Đô Thị Tây Ninh và Công ty vnhau hợp tác trong việc sản xuất, cung cấp bê tông thành phẩm cho nhu cầu sử dụng của Nguyên đơn và bán ra ngoài cho các khách hàng do hai bên khai thác;thời hạn hợp tác là 03 năm từ ngày 01/02/2018 đến ngày 01/02/2021; nội dung hợp tác và phân chia kết quả kinh doanh, theo đó: Nguyên đơn đóng góp vào việc hợp tác bằng cách tạm ứng số tiền 2.000.000.000 đồng để Bị đơn thực hiện việc khôi phục lại hoạt động của trạm trộn và 07 xe bồn vận chuyển bê tông. Số tiền này sẽ trừ dần vào số tiền Bị đơn gia công và vận chuyển bê tông theo mức khấu trừ cố định là 40.000 đồng/m3 đối với sản phẩm cung cấp cho các dự án thuộc hoặc do Nguyên đơn chỉ định. Tổng khối lượng bê tông khai thác qua trạm trộn theo hợp đồng xác định là 50.000m3 và khai thác trong vòng 3 năm. Sau thời hạn này nếu chưa tiếp nhận đủ 50.000m3 thì Bị đơn có trách nhiệm hoàn trả số tiền còn lại sau khi trừ phần giá trị gia công vận chuyển của khối lượng thực tế đã tiếp nhận. Bị đơn đóng góp vào việc hợp tác bằng toàn bộ hiện trạng cơ sở vật chất phục vụ cho việc sản xuất và cung cấp bê tông, gồm: Quyền sử dụng đất và dự trữ nguyên liệu, trạm trộn, dây chuyền máy móc thiết bị, nhân lực phục vụ cho quá trình vận hành trạm trộn. Ngoài ra giữa 2 công ty còn ký kết các hợp đồng mua bán về việc cung cấp cọc bê tông cốt thép; Hợp đồng nguyên tắc số 01/HĐNT-2020; Hợp đồng cung cấp bê tông thương phẩm số 104/2022/HĐKT/AHT nhằm để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD.
Thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã tạm ứng cho Bị đơn số tiền 2.000.000.000 đồng. Ngoài ra từ ngày 28/5/2018 đến ngày 10/9/2018 Nguyên đơn còn tạm ứng cho Bị đơn số tiền 125.000.000 đồng. Bị đơn đã cung cấp được khối lượng bê tông 1.595m3 (tính đến ngày 22/4/2022) thành tiền 362.554.276 đồng và hai bên thống nhất khấu trừ vào hợp đồng hợp tác 148.667.000 đồng phần còn lại Bị đơn nhận tiền mặt.
Hiện nay Bị đơn còn giữ và sử dụng phần nguyên vật liệu tồn kho gồm: Đá 1x2: 159,14m3; cát rửa nhân tạo: 293,08m3; cát xây: 540,62m3; xi măng Fico/Vicem PCB 50:33,70kg; phụ gia 479,68 lít, tổng giá trị của các nguyên vật liệu trên hai bên thống nhất có giá trị là 388.252.574 đồng.
Ngày 10/4/2023, Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn có nghĩa vụ trả số tiền tạm ứng cho hợp đồng hợp tác kinh doanh và tiền nguyên vật liệu là 2.117.750.357 đồng + 388.252.574 đồng = 2.506.002.931 đồng và tiền lãi tính từ 30 ngày kết thúc hợp đồng hợp tác với mức lãi suất 1%/tháng.
Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm Bị đơn đồng ý trả số tiền 117.750.357 đồng và 388.252.574 đồng. Ngày 28/9/2023 Bị đơn có đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền 2.000.000.000 đồng.
Tại Bản án số 03/2023/KDTM-ST ngày 30/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh: Căn cứ Điều 319 Luật Thương mại đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện về việc Nguyên đơn yêu cầu thanh toán số tiền tạm ứng 2.000.000.000 đồng theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD ngày 19/01/2018 và tiền lãi theo quy định; Chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thanh toán đối với số vật tư Bị đơn còn giữ, buộc Bị đơn có trách nhiệm thanh toán số tiền 506.002.931 đồng và số tiền lãi 73.539.081 đồng, tổng số tiền là 579.542.012 đồng.
Qua kiểm sát bản án nêu trên, VKSND tỉnh Tây Ninh nhận thấy Tòa án nhân dân huyện Châu Thành căn cứ Điều 319 Luật Thương mại tuyên đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu thanh toán số tiền tạm ứng 2 tỷ đồng và tiền lãi theo quy định của pháp luật là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bởi lẽ:
Khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại quy định: “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.”
Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư quy định: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.”
Khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư quy định: “Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Như vậy, đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh chưa được Luật Thương mại quy định, do đó căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án là Bộ luật Dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 504, 506, 512 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh để giải quyết nhưng lại áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 319 Luật Thương mại là không đúng mà phải áp dụng Điều 429 Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện hợp đồng dân sự. Theo đó thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Như vậy tính từ ngày 02/3/2021 là ngày hết hạn hợp đồng đến ngày 10/4/2023 Nguyên đơn khởi kiện là còn trong thời hiệu khởi kiện. Do đó, cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết đối với tranh chấp hợp đồng hợp tác do hết thời hiệu khởi kiện là không đúng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn.
Mặt khác, tại khoản 6.9 Điều 6 Hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên, các bên thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của Bị đơn như sau: Định kỳ 06 tháng xác nhận số dư nợ phải trả còn lại cho Bên A (Nguyên đơn). Có trách nhiệm trả số tiền còn lại cho Nguyên đơn trong thời gian 30 ngày nếu sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng hợp tác mà Nguyên đơn chưa nhận hết 50.000m3 bê tông thương phẩm như đã nêu tại điểm c khoản 3.1 Điều 3 nếu hai bên không thỏa thuận gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng. Như vậy, hai bên đã thỏa thuận trong thời hạn thực hiện hợp đồng nếu Bị đơn chưa cung cấp đầy đủ khối lượng bê tông thì Bị đơn có nghĩa vụ trả lại cho Nguyên đơn số tiền đã tạm ứng (còn lại).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Dân sự và theo tinh thần quy định tại điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTPTANDTC ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Như vậy Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn trả lại số tiền tạm ứng 2 tỷ đồng là yêu cầu về quyền sở hữu đối với tài sản nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Tòa án xác định hết thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng hợp tác thì chỉ đình chỉ đối với yêu cầu thanh toán tiền lãi và xác định quan hệ tranh chấp là “Đòi lại tài sản” để giải quyết vụ án và căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để giải quyết chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu đòi lại tài sản của Nguyên đơn mà không phải đình chỉ toàn bộ yêu cầu như Bản án sơ thẩm đã quyết định.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn có vi phạm trong việc chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thanh toán mua hàng không có căn cứ và có sai sót trong cách tuyên án, cụ thể:
(1) Đối với yêu cầu buộc Bị đơn thanh toán số tiền mua nguyên vật liệu tổng trị giá 388.252.547 đồng và tiền lãi chậm trả, thấy rằng: Theo thỏa thuận tại khoản 5.1 Điều 5 của Hợp đồng hợp tác thể hiện Nguyên đơn có nghĩa vụ mua vật liệu gồm cát, đá, xi măng và tập kết tại bãi của trạm trộn. Như vậy việc Bị đơn sử dụng vật tư do Nguyên đơn cung cấp là phát sinh từ hợp đồng hợp tác và là nghĩa vụ của Nguyên đơn, không phải phát sinh từ hợp đồng mua bán. Hai bên không có thỏa thuận Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán và chịu lãi nếu không sử dụng hết số vật tư mà Nguyên đơn cung cấp. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu tính lãi với mức lãi suất 1%/tháng tính từ ngày 14/7/2022 đến thời điểm xét xử do chậm thanh toán nghĩa vụ là không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn.
(2) Đối với phần tuyên án về lãi suất sau xét xử sơ thẩm: Tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định:
“… 1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:
a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
…”
Tuy nhiên tại phần quyết định của bản án sơ thẩm không có nội dung quyết định về lãi suất theo quy định nêu trên là thiếu sót.
Những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ và trong cách tuyên án của Tòa án cấp sơ thẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, VKSND tỉnh đã ban hành kháng nghị phúc thẩm trên cấp đối với toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định pháp luật.
(Hình ảnh KSV Phòng 10 – VKSND tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm sát BA,QĐ của TA)
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, căn cứ vào lời khai của Nguyên đơn, kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm./.
Văn Thị Diệu Linh – Phòng 10- VKSND tỉnh Tây Ninh