Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đứng trước tình hình tội phạm và vi phạm diễn biến ngày càng phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng lớn, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đây vừa là cơ hội cũng vừa thách thức không nhỏ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Cơ hội để ngành Kiểm sát nhân dân phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình, khẳng định được vị thế và uy tín của Ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhận được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thách thức cho toàn Ngành trong công tác đổi mới toàn diện từ quản lý, chỉ đạo điều hành đến chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có tâm, có tầm, đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, thách thức trong tình hình mới.
Nhận thức được điều đó, trên cơ sở Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”, ngày 06/12/2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chỉ thị xác định những mục tiêu, yêu cầu chủ yếu đó là: Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, kiên quyết không để xảy ra oan, sai; yêu cầu việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả, không hình thức.
Thực hiện Chỉ thị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và cấp ủy địa phương, Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân thị xã Trảng Bàng đã xây dựng và thông qua Nghị quyết nhằm định hướng đường lối cũng như giải pháp tổ chức thực hiện để đạt được những mục tiêu và yêu cầu mà Chỉ thị đặt ra. Cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng về“Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, nhất là Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tăng cường sự có mặt của Viện kiểm sát trong tất cả các hoạt động điều tra, xử lý vụ án để thực hiện chức năng kiểm sát ngay từ khi thụ lý tin báo về tội phạm đến khi quyết định việc khởi tố, điều tra, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố.
Hai là, kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đặc biệt là Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Ba là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và trong suốt quá trình thu thập, tài liệu chứng cứ của Cơ quan điều tra, không để xảy ra những vi phạm, thiếu sót không thể khắc phục được, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Bốn là, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra kiểm sát chặt chẽ 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Kiểm sát viên được quy định trong BLTTHS, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS, Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Năm là, kiểm sát chặt chẽ án đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bị can của Cơ quan điều tra đảm bảo có căn cứ, đúng quy định pháp luật, nhất là án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, tránh trường hợp lạm dụng dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Án tạm đình chỉ phải theo dõi bằng sổ, danh sách và lưu trữ hồ sơ theo đúng Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 14/02/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc quản lý hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án hình sự tạm đình chỉ của Viện KSND.
Sáu là, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố; đảm bảo việc ban hành các quyết định xử lý hình sự, quyết định truy tố bị can là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Thận trọng, chặt chẽ trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động truy tố. Triển khai thực hiện việc ghi âm, ghi hình theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngành.
Kiểm sát viên đang thực hành quyền công tố tại phiên tòa
Bảy là, trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự phải đảm bảo sự tham gia của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ, có mặt trong giai đoạn điều tra vụ án; tôn trọng và xem xét đầy đủ, kịp thời ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo việc điều tra, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện và đúng quy định pháp luật.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt những giải pháp cụ thể, thiết thực nêu trên cùng với việc chủ động đề ra các nhiệm vụ đột phá hằng năm, trong đó trọng tâm là gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm kéo giảm án trả hồ sơ điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện kiểm sát; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, từ đó đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; chất lượng kiểm sát điều tra ngày càng được nâng lên, tỷ lệ giải quyết tin báo hàng năm đạt trên 90%, tỷ lệ giải quyết án tại Cơ quan điều tra đạt trên 85%, tỷ lệ giải quyết án tại Viện kiểm sát đạt 100%, bảo đảm truy tố đúng tội danh, đúng thời hạn quy định đạt 100%, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm, không có án Tòa tuyên không phạm tội hay rút quyết định truy tố. Nhiều năm liền đơn vị được công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng nhì” năm 2019.
Lương Hữu Hiệp - Phó Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng
Bài dự thi “Giải Búa liềm vàng” lần thứ VI-2021 trong Ngành Kiểm sát nhân dân